Tờ Nikkei Asia ngày 27.7 đưa tin hãng Microsoft (Mỹ) sẽ cung cấp cho chính phủ Nhật Bản công nghệ cơ sở của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh ChatGPT trong công việc văn phòng và phân tích.
Ứng dụng mới sẽ được sử dụng trong những công việc bao gồm cả việc soạn thảo văn bản phản hồi các yêu cầu của quốc hội.
Để đảm bảo hệ thống giữ những thông tin mật, Microsoft gần đây đã lắp đặt các thiết bị với sức mạnh xử lý cao để sử dụng trong AI tạo sinh tại các trung tâm dữ liệu ở Tokyo và Osaka.
Các thành viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật họp vào ngày 27.7 với sự tham dự của đại diện Microsoft, nhằm tiến hành các bước sau cùng của việc dàn xếp này.
Hãng công nghệ Mỹ đến nay chỉ mới đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo này đến châu Âu. Công nghệ được phát triển bởi công ty đối tác là OpenAI.
Microsoft sẽ cung cấp GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn hỗ trợ khả năng tương tác giống con người của ChatGPT, cũng như công nghệ AI được phát triển bởi công ty mẹ của Facebook là Meta, công ty mà Microsoft cũng đang hợp tác.
Cơ quan Kỹ thuật số mới thành lập của Nhật bước đầu dự định chỉ chi 2 triệu USD để sử dụng công nghệ trên trong một năm và đưa công nghệ này đến các bộ ngành khác.
Nhiều khả năng cơ quan trên sử dụng hệ thống mới để thử nghiệm viết biên bản, soạn thảo văn bản phản hồi của các quan chức chính phủ theo yêu cầu của quốc hội và hỗ trợ phân tích số liệu chính phủ.
Microsoft cũng đặt mục tiêu tích lũy dữ liệu và cải thiện độ chính xác của hệ thống bằng tiếng Nhật, vốn là một điểm yếu.
Đạo diễn 'Kẻ hủy diệt' Terminator: "Tôi đã cảnh báo về AI từ năm 1984!"
Để phục vụ chính phủ Nhật, AI phải học một lượng lớn thông tin hành chính. Các quan chức chính phủ và đảng cầm quyền cho biết việc chuyển những thông tin như vậy ra khỏi Nhật để xử lý tại các trung tâm dữ liệu ở nước ngoài sẽ gây ra các vấn đề về an ninh.
Trong một đề xuất hồi tháng 4, LDP cho rằng việc sử dụng AI tạo sinh có thể mang lại những lợi ích xã hội to lớn từ góc độ cải thiện chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hành chính. Các cơ quan khác nhau như Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cũng đang xem xét sử dụng.
Bình luận (0)