Thảm họa điện hạt nhân Fukushima theo sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng hồi tháng 3.2011 đã buộc Nhật Bản phải tính tới một giải pháp năng lượng thay thế an toàn hơn, đó là khí đốt thiên nhiên.
Hệ thống dẫn khí đốt mà Nhật Bản đang tính toán có chiều dài 1.400 km, bắt đầu từ đảo Sakhlin của Nga, vươn ra ngoài khơi và chạy xuống phía nam dọc theo bờ đông Thái Bình Dương đến gần Tokyo, phát ngôn viên tập đoàn năng lượng Tokyo Gas cho biết hôm 5.11.
|
Tokyo Gas cùng Japan Petroleum Exploration và Nippon Steel & Sumitomo Metal là 3 tập đoàn công nghiệp đang nghiên cứu khả thi dự án này.
“Ý tưởng đường ống dẫn khí chợt đến như một lựa chọn trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhiên liệu thô của chúng tôi”, phát ngôn viên này tiết lộ.
Nếu dự án được thông qua, việc xây dựng có thể mất 5 - 7 năm với chi phí khoảng 400 tỉ yen (5 tỉ USD), giảm chi phí lâu dài so với nhập khẩu khí thiên nhiên bằng tàu biển, theo báo Asahi Shimbun.
Sau thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, 48 trong số 50 lò phản ứng điện hạt nhân của Nhật Bản đã đóng cửa cho tới nay.
Sự thay đổi từ nguồn điện hạt nhân sang các nguồn nhiên liệu khoáng hóa của Nhật Bản khiến giá nhiên liệu thế giới tăng đáng kể.
Trong khi đó, hai lò phản ứng còn hoạt động tại nhà máy Ohi ở miền tây cũng có nguy cơ bị đóng cửa, nếu các chuyên gia địa chấn kết luận những vết đứt gãy địa tầng bên dưới nhà máy ở trạng thái bị kích hoạt.
Hãng tin Bloomberg cho hay, tuần trước một nhóm chuyên gia địa chấn đã đến khảo sát khu vực này nhưng chưa thống nhất về số phận 2 lò phản ứng.
Được biết, ngày mai 7.11, các chuyên gia sẽ họp thảo luận tiếp vấn đề này.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Tỉ phú Hồng Kông mua công ty khí đốt Anh
>> Uzbekistan bắt đầu giao khí đốt cho Trung Quốc
>> Câu chuyện từ những đường ống khí đốt
>> Kinh hoàng vụ nổ đường ống khí đốt ở Mỹ
>> Nga lại dọa cắt khí đốt sang Ukraine
Bình luận (0)