Quân đội Mỹ từng xem xét khả năng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Lực lượng phòng vệ Nhật khi Chiến tranh lạnh leo thang vào thập niên 1950.
TP.Hiroshima ngay sau khi hứng bom nguyên tử năm 1945 - Ảnh: AFP
|
Điều gây bất ngờ là đến tháng 2.1958, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) còn quyết định xem xét khả năng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật, quốc gia từng hứng 2 quả bom nguyên tử năm 1945, theo Kyodo News dẫn một số tài liệu của JCS vừa được giải mật. Hãng tin này nhận định động thái của JCS thống nhất với ý tưởng rằng chủ trương của Mỹ về chiến tranh lạnh là dùng kho vũ khí hạt nhân để ứng phó số vũ khí thông thường khổng lồ của Liên Xô.
Tùy ý Nhật
JCS đưa ra quyết định trên khoảng 5 tháng sau khi quân đội Mỹ và SDF tiến hành cuộc tập trận chung giả định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Kyodo News. Cuộc tập trận diễn ra vào tháng 9.1957, nhưng chưa bao giờ được hé lộ cho đến khi một cuộc điều tra chung giữa Kyodo News và Giáo sư Akira Kurosaki tại Đại học Fukushima (Nhật) phát hiện những tài liệu nói trên tại Thư viện quốc gia Mỹ ở bang Maryland. Cụ thể, theo tài liệu đề ngày 17.2.1958, “cuộc tập trận phối hợp Mỹ - Nhật có tên Fuji được tiến hành ở Nhật từ ngày 24 - 28.9.1957”, trong đó có phần diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hồ sơ của JCS không nói rõ địa điểm cuộc tập trận, nhưng theo tài liệu do sĩ quan Ryuhei Nakamura thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) của Nhật ghi lại, Fuji diễn ra tại doanh trại Drake, một căn cứ của Mỹ trong khu vực gần Tokyo và tỉnh Saitama. Tài liệu của JCS đã nhắc đến một số câu hỏi do một sĩ quan Nhật cùng điều phối cuộc tập trận đưa ra. “Mỹ sẽ giữ tất cả vũ khí hạt nhân để các hệ thống của họ tự triển khai hay cung cấp vài vũ khí loại này cho Nhật sử dụng?”, người này hỏi. Ngoài ra, viên sĩ quan còn ướm lời: “Nếu quyết định tự trang bị vũ khí hạt nhân, Nhật có cần sự chấp thuận của Mỹ hay không?”.
Những câu hỏi trên góp phần khiến JCS sớm xem xét khả năng cấp vũ khí hủy diệt hàng loạt cho SDF, theo văn bản ngày 20.11.1957 do Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Arleigh Burke viết. Văn bản ấy có đoạn: “Những câu hỏi này thể hiện sự quan ngại của quốc gia duy nhất trên thế giới từng bị tấn công hạt nhân”.
Đáp lại, JCS đã đưa vấn đề ra thảo luận tại cuộc họp ngày 12.2.1958. Cụ thể, theo tài liệu đề ngày 17.2.1958, JCS khẳng định lập trường về vấn đề này chủ yếu sẽ phụ thuộc vào mong muốn được cấp bom nguyên tử của Nhật và khả năng sử dụng hiệu quả vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ. Ngoài ra, JCS cho rằng SDF “phải được trang bị vũ khí thông thường hiện đại nhất và vũ khí nguyên tử”. Còn theo một tài liệu khác đề ngày 17.9.1958 của JCS, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ vũ khí hạt nhân cho các nước đồng minh, tùy vào việc Nhật có muốn sở hữu và đủ khả năng sử dụng loại vũ khí này hiệu quả hay không. Tuy nhiên, ý tưởng của JCS muốn trang bị vũ khí hạt nhân cho SDF không được đề xuất chính thức đến chính phủ Nhật.
Những yếu tố cản trở
Giáo sư Akira Kurosaki tại Đại học Fukushima cho hay nhiều sĩ quan SDF quan tâm tới ý tưởng nói trên của JCS. Một số cựu sĩ quan SDF khẳng định với Kyodo News rằng từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1960, các học viên Trường sĩ quan cấp cao của GSDF đã được dạy về chiến thuật và học thuyết hạt nhân của Mỹ. Cũng theo ông Kurosaki, với bối cảnh chính quyền Mỹ ngày càng chú trọng vũ khí hạt nhân trong chính sách an ninh quốc gia, Thủ tướng Nhật khi đó là ông Nobusuke Kishi đã tuyên bố Nhật “có thể sở hữu vũ khí hạt nhân (cho mục đích phòng vệ) mà vẫn tuân theo hiến pháp”.
Tuy nhiên, những khóa học về hạt nhân tại Trường sĩ quan cấp cao của GSDF bị tạm ngưng trước sức ép từ phong trào phản đối hạt nhân ở Nhật, buộc chính quyền Tokyo thông qua 3 quy tắc phi hạt nhân vào năm 1967: không sản xuất, không sở hữu và không cho phép đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ nước này.
Làn sóng phản đối hạt nhân bắt đầu lan rộng kể từ vụ tàu cá Nhật Daigo Fukuryu Maru chở 23 người bị phơi nhiễm bụi phóng xạ do đợt thử bom hạt nhân của Mỹ trên đảo Bikini ở Thái Bình Dương vào tháng 3.1954. Theo một số nguồn tin, tàu Daigo Fukuryu Maru hoạt động bên ngoài khu vực nguy hiểm mà Mỹ cảnh báo trước đó, nhưng bụi phóng xạ đã phát tán khỏi vùng nguy hiểm do thời tiết thay đổi và do vũ khí hạt nhân được thử có sức mạnh gấp 2 lần so với ước tính. Sau đó, Bộ Sức khỏe và phúc lợi Nhật xác nhận có 856 tàu cá Nhật, với tổng cộng 20.000 người bị phơi nhiễm phóng xạ từ vụ thử bom hạt nhân nói trên. Theo tờ Japan Times, đợt thử bom hạt nhân tháng 3.1954 đã gây căng thẳng cho quan hệ chính trị, thương mại giữa Nhật và Mỹ. Sự cố tàu Daigo Fukuryu Maru cùng với vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki trước đó gần 9 năm trở thành biểu tượng chống vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, theo Japan Times.
Cựu tướng Nhật Mitsuaki Yokochi nhận định với Kyodo News rằng sự cố tàu Daigo Fukuryu Maru, phong trào cấm bom nguyên tử và 3 nguyên tắc phi hạt nhân, đã tác động lớn tới vị thế của SDF. Còn Giáo sư Kurosaki đặt câu hỏi liệu Nhật có còn là một quốc gia phi vũ khí hạt nhân như hiện nay hay không nếu sự cố tàu Daigo Fukuryu Maru không xảy ra và làn sóng chống hạt nhân ở nước này không lan quá nhanh.
Đủ nguyên liệu cho 5.000 quả bom nguyên tử
Cách đây hơn 40 năm, Nhật đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một quan chức Nhật liên quan đến chương trình năng lượng hạt nhân nước này tiết lộ với kênh CNBC năm 2014 rằng Nhật đạt khả năng chế tạo bom nguyên tử kể từ khi khởi động lò phản ứng plutonium và một nhà máy làm giàu uranium cách đây khoảng 30 năm. Nhật đang sở hữu khoảng 44 tấn plutonium ở trong và ngoài nước, đủ để tạo 5.000 quả bom nguyên tử, theo CNBC.
Nhà máy Rokkasho ở miền bắc Nhật - Ảnh: Asahi Shimbun
Hồi tháng 3.2014, phát ngôn viên Yoshi Sasaki của Công ty nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản (JNFL) còn thông báo công ty sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy Rokkasho ở miền bắc để tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng thành plutonium vào tháng 10. Nhà máy Rokkasho có thể sản xuất 8 tấn plutonium/năm, đủ để chế tạo 1.000 quả bom nguyên tử có kích cỡ giống quả bom mà Mỹ thả xuống Nagasaki năm 1945, khiến khoảng 40.000 người chết ngay tức khắc và 1/3 thành phố bị phá hủy. Tuy nhiên, đến tháng 10, JNFL thông báo hoãn khởi động Nhà máy Rokkasho cho tới tháng 3.2016 vì lý do an toàn.
Việc Nhật tăng cường sản xuất plutonium đã khiến nhiều nước quan ngại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng lên tiếng cảnh báo plutonium từ Rokkasho có thể được Nhật dùng để chế tạo bom nguyên tử, theo Bloomberg. Ngay cả Mỹ cũng từng bày tỏ quan ngại về Nhà máy Rokkasho, với lập luận rằng Nhật tăng cường trữ plutonium mà không có kế hoạch tiêu thụ, theo Asahi Shimbun.
|
Bình luận (0)