(iHay) 8 giờ 15 phút sáng, mọi người gói ghém hành lý tiến về vùng công viên quốc gia Fuji-Hakone. Trời đẹp nên suốt chặng đường 100km từ Tokyo về núi Phú Sĩ, có thể quan sát thấy ngọn núi bạc đầu này khi ẩn, khi hiện trong nắng thu vàng giống như một vị chủ nhà hồ hởi vẫy tay chào khách đến.
>> Nhật Bản vừa đi vừa viết – Kỳ 2: Tới thăm điện Minh Trị
>> Nhật Bản vừa đi vừa viết - Kỳ 1: Những ngạc nhiên đầu tiên
|
Núi Phú Sĩ là biểu tượng của Nhật Bản, mang nhiều ý nghĩa tâm linh và được xếp vào hàng 3 ngọn núi thiêng của đất nước này. Phú Sĩ vốn là một ngọn núi lửa, lần phun trào gần nhất cách đây đã 300 năm. Mặc dù khoa học ngày nay nhiều tiến bộ cũng không dám chắc chắn Phú Sĩ sẽ "ngủ" yên đến bao giờ, sự vận động của mẹ thiên nhiên không phải là thứ mà con người có thể dễ dàng tiên đoán được. Vì vậy, người dân sống quanh chân núi vẫn thường phải tham gia các đợt diễn tập di tản do chính phủ tổ chức với tình huống giả định núi lửa Phú Sĩ lại "thức dậy" phun trào.
Xe đi vào chân núi Phú Sĩ, tôi được nghe kể về khu rừng Aokigahara, khu rừng tự sát. Theo các số liệu thống kê, mỗi ngày ở Nhật Bản có khoảng 100 người tự tử, riêng tại khu rừng này, mỗi năm có đến hàng trăm, nghĩa là bình quân chưa đến 4 ngày sẽ có một người Nhật đến nơi này chọn cái chết. So với nhảy lầu hay lao vào đường tàu điện, đi vào rừng sâu và đi mãi mãi như nàng La Lan của Hoàng Thi Thơ có phần nào đó nhẹ nhàng hơn, cho cả người ra đi và những người ở lại. Không hiểu những con người đến đây tìm về cõi vĩnh hằng lãng mạn đến mức độ nào, mà hàng ngày du khách vào rừng đều nghe văng vẳng tiếng hát. Tôi cũng vậy, tiếng hát to rõ, giai điệu du dương trầm hùng.
Có những giải thích đưa ra cho rằng hiện tượng này đem lại bởi tiếng gió, tiếng xe, cũng có thể do ai đó bí mật đặt loa phát nhạc... Riêng tôi, tôi tin rằng đây là điệu nhạc tâm linh.
Không hiểu sao đột nhiên tôi lại nghĩ về bài sáo nhạc hôm qua, trong buổi lễ ở đền Thần đạo. Có mối liên quan gì không khi từ chân núi đến đỉnh núi có tới 13 nghìn ngôi đền Thần đạo. Nghe kể, tín đồ Thần đạo mặc áo trắng như ngọn núi phủ tuyết vẫn thường hành hương về đỉnh ngọn núi thiêng này.
Thời tiết đang giống như con gái 30 thu tàn đông tới. Từ chân núi, cây lá đan xen những màu đỏ, xanh, vàng. Lên đến một phần ba độ cao ngọn núi thôi, rừng cây đã thành trơ trụi lắm. Chúng tôi tiếp tục đi, đi lên giữa bầu trời xanh nắng, giữa những cành đông khẳng khiu và giữa biển mây trắng bồng bềnh. Biết bao nhiêu lần người trên xe ồ lên, bởi biển mây ngoài kia mênh mông quá!
|
Những hành khách đến Phú Sĩ không ưa thích trekking vẫn dừng lại ở trạm nghỉ thứ 5 có độ, cao vào khoảng 2.300m. Đầu đông, nên giữa nắng hanh vàng, gió thổi vẫn cảm giác lạnh se sắt. Anh trưởng đoàn chu đáo tặng mỗi người một miếng sưởi dán dưới tầng áo mỏng trước khi xe đến nơi khoảng 10 phút.
Chúng tôi xuống xe dạo vòng quanh. Ngôi đền phía sau những dãy nhà bày bán hàng lưu niệm vẫn một màu gỗ sơn son nhưng trở thành đặc biệt khi tọa lạc ở địa thế hiểm trở mà cũng rất thần tiên này. Đứng nơi đây nhìn lên trước mặt là đỉnh núi thiêng Phú Sĩ, nhìn xuống dưới chân là tầng tầng mây trắng, còn nơi đâu tự tại bằng!
Vậy mà, trong một tích tắc thôi, khi chúng tôi vẫn còn tha thẩn trong đền, một cơn gió mạnh đưa mây mù kéo tới. Tôi vội bước chân ra, làn hơi nước như mờ sương lướt qua mướt mặt. Rồi mặt trời lại rừng rực trên đầu. Anh trưởng đoàn cười nói thời tiết có đủ cả 4 mùa trong một buổi sáng rồi đó.
Rời Phú Sĩ, chúng tôi đến Hakone lúc 13 giờ 30 phút. Còn sớm nhưng trời đầy mây mù, đường cây lá phong đỏ rực trong u mịch. Bữa cơm trưa muộn được bày trong khuôn viên nhà hàng ven hồ Ashi. Tôi không biết chọn ăn gì đây khi mọi tâm ý cứ đổ dồn về phía kia bức vách, nơi có mặt hồ nước lặng soi bóng ngọn núi mùa thu rơi rụng lá tàn.
Chúng tôi di chuyển lên vùng núi Owakudani bằng cáp treo. Hành trình đi cáp chỉ khoảng 10 phút thôi, tôi lại có thể ngắm đỉnh Phú Sĩ cao vời vợi, lẻ loi trong chiều tà. Người Nhật vẫn xem Phú Sĩ là nữ thần Sengen- Sama, vậy nhưng kỳ lạ thay trước thời kỳ Meji người ta lại không cho phụ nữ lên núi vì nỗi sợ ô uế.
Tại vùng thung lũng Owakudani còn sót lại nhiều hồ nước nóng là vết tích phun trào núi lửa cách đây 3.000 năm. Hơi nước bốc lên ngùn ngụt mù mịt một góc trời chiều. Mùi sunfat không dễ ngửi nhưng người ta không cưỡng lại được ham muốn tiếp cận vì những quả trứng đen quá thu hút nơi đây.
Từ 60 năm nay, người Nhật bắt đầu phổ biến món trứng được luộc đen từ những hồ khoáng đầy sunfat này với quan niệm ăn một quả trứng thọ thêm 7 năm. Tôi không tham sống dài, nhưng tôi cũng như bao du khách hiếu kỳ, cũng phải ăn một quả trứng. Cảm giác xuýt xoa trong cái lạnh cùng với quả trứng mới vớt ấm nóng trong tay thật đáng nhớ.
|
19 giờ 30 phút tối, xe về đến Laforest Shuzenji Hotel & Resort, chúng tôi nhận phòng, dùng bữa tối và dành thời gian thử tắm suối nước khoáng Onsen theo phong cách Nhật Bản. Tắm Onsen có thể gọi dễ hiểu và "gay cấn" là tắm nude tập thể. Thú thật tôi cũng rất e dè, phải chọn giờ ít người tắm và cứ phải che chắn cơ thể.
Bạn đến phòng tắm tập thể dành cho đúng giới tính của bạn, sẽ có một quầy tủ cất quần áo kiểu như ở các hồ bơi, bạn phải bỏ hết quần áo vào đó. May mắn cho tôi được nhắc nhở trước để vác theo cái khăn to trong phòng khách sạn. Thật ra người khác đến đây cũng chỉ để đi tắm, không ai nhìn ai cả đâu. Tắm xong, ngâm suối khoáng, và ở bên ngoài có sẵn một bàn trang điểm để sẵn kem dưỡng da các kiểu của Nhật, bạn có thể dùng tùy thích
(còn tiếp)
Phượt ký của Na Loan
>> Độc đáo cơm hộp ekiben của Nhật Bản
>> Tuyệt đẹp nghệ thuật múa kết hợp ánh sáng của Nhật Bản
>> Độc đáo xe kéo Nhật Bản
>> Cẩm nang du lịch Nhật Bản
Bình luận (0)