(iHay) Buổi sáng ở Grand Prince Kyoto, mặt trời luyến tiếc vượt lên trên các tầng mây chiếu tia nắng ấm áp lên những giọt sương phớt trên cành cây. Nơi đây nằm gần Trung tâm hội nghị quốc tế, tách biệt phố thị sầm uất...
>> Nhật Bản vừa đi vừa viết – Kỳ 3: Núi thiêng Phú Sĩ thẳng tiến
|
Bạn còn nhớ đôi hàng thùng rượu đặt trước lối vào đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng mà tôi từng kể không?Nhật Bản luôn dung hòa văn hoá phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, con người và thiên nhiên như vậy. Tôi có thể bắt gặp điều này khi đến thành Osaka.
Thành cổ Osaka được xây dựng trên nền chùa Ishiyama Honganji, là nơi chứng kiến trận đánh lịch sử giữa thế lực của đại tướng quân Toyotomi Hideyoshi và thế lực của đại tướng quân Tokugawa Ieyasu, hai vị lãnh chúa mạnh nhất Nhật Bản vào khoảng năm 1600. Tướng quân Tokugawa giành chiến thắng, kết thúc giai đoạn chiến loạn, bắt đầu thời kỳ Mạc Phủ, xây dựng nên Nhật Bản hùng mạnh.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào thành cổ là khối đá nặng 108 tấn được xây lẫn vào tường thành. Người ta vẫn chưa giải thích được bằng cách nào mà khối đá to nặng này xuất hiện tại đây.
Bên phải lối vào là tòa lâu đài cổ vốn là căn cứ Bộ tư lệnh Nhật Bản trong Thế chiến 2 sau này từng được sử dụng làm bảo tàng lịch sử. Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng bảo tàng lịch sử mới phía ngoài thành, cạnh toà nhà đài truyền hình nổi tiếng NHK. Tòa lâu đài tiếp tục được bảo tồn trong khuôn viên, như chứng tích của lịch sử.
Và bạn cũng không thể nào bỏ qua khối kiến trúc Expo’70. Năm 1970, các phát minh khoa học tiên tiến đã được chôn giấu ở đây và theo kế hoạch sẽ được khai mở lần đầu vào năm 2098. Lần mở thứ hai sẽ cách đó 2.000 năm.
|
Bên trong thành còn một tòa lâu đài mới xây màu xanh ngọc với các chóp đỉnh dát vàng. Nếu muốn, bạn có thể mua vé vào lâu đài. Lên đến tầng thứ 3 là bạn có thể ngắm được toàn cảnh tòa thành Osaka.
Giữa quãng sân rộng trong thành, tôi gặp một bác người Nhật mặc cả bộ đồ trắng đang rải thức ăn cho bồ câu. Bác cũng vui vẻ chia sẻ gạo và bánh mì khô cho khách ghé thăm để họ dụ được bồ câu đậu lên tay. Khi hết thức ăn, bác lại đến lấy thêm từ giỏ xe đạp. Anh trưởng đoàn nói, thức ăn này là tự bác mua. Niềm vui của bác như thể hiện tinh thần hòa bình của người Nhật.
Ngồi trong khuôn viên thành, giữa cái nắng ấm áp thoảng lúc gió lạnh se sắt, tiếng quạ xao xác trên đầu, mây che ngang nắng, bạn vẫn cảm nhận được rõ ràng mùa thu chưa tan mà đông đã tới.
|
Buổi trưa, chúng tôi sang Kobe để thưởng thức món bò nổi tiếng. Trên đường cao tốc xảy ra tai nạn kẹt xe, chúng tôi đến muộn 15 phút so với thời gian đã đặt nhưng vẫn được đón tiếp vui vẻ, sắp xếp chỗ ngồi ấm cúng.
Tôi thích cung cách làm dịch vụ của người Nhật. Khi khách cởi giày ra sẽ có người xếp lên kệ, ngồi xuống bàn có người đem áo khoác treo lên giá giúp. Áo khoác treo lên còn được bọc trong túi nilon để tránh ám khói và mùi thịt sắp nướng. Chúng tôi có một bữa trưa thú vị khi được xem các đầu bếp biểu diễn nghệ thuật làm bếp ngay tại bàn ăn.
|
Kobe đã từng xảy ra trận động đất ngày 17.1.1995 làm chết hơn 6.000 người. Có dự báo rằng trong vòng vài chục năm nữa Kobe sẽ tiếp tục xảy ra trận động đất lớn hơn thế. Công dân Nhật Bản đều được giáo dục tinh thần luôn sẵn sàng đối phó với thiên tai. Trẻ con được hướng dẫn cách xử lý khi xảy ra động đất. Trong nhà, người dân luôn có một túi khẩn cấp để mang đi khi xảy ra sự cố.
14 giờ chiều, chúng tôi vào thăm Trung tâm phòng chống thiên tai Kobe, được xem đoạn phim 7 phút ghi lại những thời khắc kinh hoàng năm 1995. Nhìn cách người Nhật dìu nhau đi qua thành phố đổ nát, thái độ làm việc để xây dựng lại tất cả…, mắt tôi cay cay. Tôi không phải thấy tội nghiệp cho họ, mà tôi thấy quá cảm phục họ.
Thôi để cho nhẹ lòng, chúng tôi lại về khu phố sầm uất Shinsaibashi thỏa thích đi dạo và mua sắm.
Đêm nay là đêm cuối cùng của tôi ở Nhật, chúng tôi lưu lại khách sạn Nikko Kansai ngay bên cạnh sân bay trên biển Kansai. Bởi vì là đêm cuối rồi nên có nhiều lưu luyến lắm. Giấc ngủ chập chờn trên biển. Tại sao trong cái gối của tôi có nilon vậy? Chẳng lẽ gối có thể làm phao cứu sinh khi có sự cố? Nghĩ đến đó mà con người nhát gan như tôi cũng yên lòng.
Nhật Bản, nếu đã hiểu xứ sở này thì bạn sẽ yêu…
Phượt ký của Na Loan
>> Nhật Bản vừa đi vừa viết – Kỳ 2: Tới thăm điện Minh Trị
>> Nhật Bản vừa đi vừa viết - Kỳ 1: Những ngạc nhiên đầu tiên
Bình luận (0)