Sau khi tham gia tập trận hải quân chung với Mỹ và Úc ở Thái Bình Dương, Nhật Bản giờ chuẩn bị có mặt trong cuộc tập trận hải quân chung của Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Khu trục hạm Chjokai của Nhật Bản tuần tra phía nam đảo Kyushu - Ảnh: AFP
|
Mục đích của Nhật Bản bộc lộ càng rõ nét khi gắn với những động thái mới đây nhất của Tokyo về an ninh, quân sự và quốc phòng là công bố sách trắng và thông qua những bộ luật mới về an ninh. Nội dung nổi bật nhất trong những luật mới về an ninh là cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hoạt động quân sự ở cả bên ngoài phạm vi lãnh thổ.
Sau chủ ý vươn ra Thái Bình Dương ở phía đông, Nhật Bản giờ hướng về Ấn Độ Dương ở phía tây vì cùng mục đích và lợi ích là tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, gây dựng quan hệ hợp tác quân sự và an ninh với các đối tác khác, tập hợp lực lượng mới để đối phó với những mối đe dọa về an ninh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không hề giấu giếm một mục tiêu chiến lược khác nữa là thông qua việc tăng cường hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở bên ngoài lãnh thổ để vươn tới vai trò chính trị an ninh to lớn hơn trên thế giới.
Ở cả hai nơi, đối phó Trung Quốc đều được Nhật Bản dành ưu tiên hàng đầu và điều này được Ấn Độ tận dụng triệt để. Ấn Độ vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc vừa đối phó với ý đồ chiến lược của Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương bằng cả hành lang kinh tế trên đất liền lẫn con đường tơ lụa trên biển. Đã cùng hội mà lại cả cùng thuyền thì còn gì bằng - vì thế mà Nhật Bản được Ấn Độ mời tham gia tập trận hải quân chung năm nay.
Bình luận (0)