TNO

Nhật báo The New York Times ca ngợi mô hình tour khám phá ẩm thực Việt Nam

08/11/2013 10:01 GMT+7

Nhật báo hàng đầu của Mỹ, tờ The New York Times mới đây đã có một bài viết khá thú vị về mô hình tour khám phá ẩm thực địa phương ở Hà Nội và Sài Gòn. SGAT xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Mike Ives.

Nhật báo hàng đầu của Mỹ, tờ The New York Times mới đây đã có một bài viết khá thú vị về mô hình tour khám phá ẩm thực địa phương ở Hà Nội và Sài Gòn. SGAT xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Mike Ives.

>> Nhật báo hàng đầu Mỹ bình chọn quán phở ngon nhất Việt Nam(Theo The New York Times)
>> Món ngon Việt đẹp lung linh trên tạp chí Mỹ

Nhật báo The New York Times ca ngợi mô hình khám phá ẩm thực Việt Nam 1
Justin Yap (bên phải) và "hướng dẫn viên" của mình, Mark Lowerson, đang thưởng thức
món sữa chua nếp cẩm trên hè phố Hà Nội

Vào lúc 8h35 một buổi sáng thứ Sáu ở Hà Nội, Justin Yap đứng ở tiền sảnh khách sạn và tự hỏi mình sẽ ăn gì cho bữa sáng.

Anh đến Việt Nam nhân một chuyến công tác nhưng lịch trình rảnh rỗi tới tận 3h chiều. Là một người Canada sống ở Istanbul và làm việc cho một tổ chức phát triển quốc tế, Yap đã dành hẳn một ngày để khám phá những món ăn đường phố Việt Nam.

Yap được chào đón bởi Mark Lowerson, một người Úc chuyên viết blog về ẩm thực và là đồng sở hữu của dịch vụ "hướng dẫn du khách khám phá ẩm thực đường phố Hà Nội" (Hanoi Street Food Tours). Yap đã tìm thấy dịch vụ này trong khi lướt web tìm lời khuyên ăn tối ở Hà Nội.

Hai người leo lên một chiếc taxi. Trong khi người lái xe luồn lách giữa dòng xe máy đông đúc ở Hà Nội về phía những ngôi nhà xây theo kiến trúc Pháp ở khu phố cổ, Yap cho biết anh đã tới Hà Nội 7 lần nhưng không nói được tiếng Việt và cảm thấy không thoải mái khi gọi món ăn ở đường phố.

Lowerson, mặc quần soọc và đi xăng đan, gật đầu nghiêm trọng như một bác sĩ đang chuẩn đoán cho bệnh nhân: “Chúng tôi sẽ xóa bỏ một số rào cản cho anh. Lần tới, có thể anh sẽ có đủ "kỹ năng" để tự mình làm lấy”.

Lowerson đã sống ở Hà Nội từ năm 2002 và tham gia điều hành hướng dẫn du lịch cùng với một người bạn Việt Nam tên là Văn Công Tú, rất yêu thích công việc giới thiệu cho du khách sắc thái văn hóa ẩm thực mà tự họ không thể khám phá hết được.

Lowerson cười thân thiện và nói: “Mọi người cảm ơn chúng tôi vì họ cảm thấy hiểu sâu hơn một chút về ẩm thực Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là món ăn”.

Anh là một trong số ít những người nước ngoài đang kinh doanh mô hình có liên quan tour trong ngày khám phá ẩm thực Việt Nam.

Những người khác có thể kể đến là đầu bếp người Pháp Didier Corlou đang điều hành 4 nhà hàng ở Hà Nội, một đầu bếp người Úc khác là Tracey Lister đang sở hữu Trung tâm nấu ăn Hà Nội (Hanoi Cooking Center), chuyên cung cấp tour khám phá thức ăn đường phố và lớp nấu ăn món Việt. Cả hai đầu bếp đều viết sách nấu ăn món Việt cho các độc giả phương Tây.

Nhật báo The New York Times ca ngợi mô hình khám phá ẩm thực Việt Nam 2
Bún riêu cua cũng nằm trong lịch trình của tour ẩm thực thú vị này

Ba người khác, một là người Anh (điều hành nhà hàng Highway4), một là người Thụy Sỹ (có 5 nhà hàng ở Hà Nội chuyên phục vụ món Việt) và một người Việt Nam kinh doanh rượu Việt.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Barbara Adam, một người Úc có chồng người Việt bắt đầu cung cấp tour du lịch khám phá món ăn trên đường phố Sài (Saigon Street Eats) từ năm ngoái. Đầu bếp Mỹ Chad Kubanoff và người vợ Việt đã cung cấp tour ẩm thực từ 2010 thông qua dịch vụ cho thuê xe máy của mình.

Dịch vụ của Lowerson (48 tuổi) và Tú (36 tuổi) ở Hà Nội chỉ điều hành bởi hai người mà không muốn thuê thêm ai khác. Họ đã bắt đầu dịch vụ này từ 2009, khi có nhiều người email cho Lowerson sau khi đọc blog Stickyrice của anh, và yêu cầu được hướng dẫn về món ăn đường phố ở Việt Nam.

Lúc đó, Lowerson đang điều hành một dự án về giáo dục được tài trợ bởi chính phủ Úc và Tú đang đảm trách vị trí quản lý cho một nhà hàng Việt ở Hà Nội. Mãi về sau, Lowerson mới nhận ra đây là một cơ hội tốt để kinh doanh.

Lowerson cho biết, giá của mỗi tour cho một người là 75 đô la (nửa ngày) và 135 đô la (một ngày). Khách hàng phần lớn là từ Úc, Mỹ và Bắc Âu.

Thêm một điều thuận lợi nữa là trang Twitter của Lowerson có 2000 người theo dõi, một số trong đó là những người chuyên viết ẩm thực.

Robert Newton, một người điều hành nhà hàng ở New York từng đặt tour với Lowerson năm ngoái cho biết, trải nghiệm khi tham gia tour này đã giúp anh rất nhiều trong việc điều hành nhà hàng Việt Nightingale9 ở Brooklyn.

Taxi đưa Yap dừng lại gần khu phố cổ vào lúc 9h sáng. Cả hai bước tới một quán nơi người bán rong đang nấu món bún riêu và bún chả. Lowerson mời Yap ngồi trên một cái ghế nhựa nhỏ xíu và gọi món.

Lowerson nói: "Gọi bún chả và bún riêu thành một tô là cách ăn phi truyền thống của người Hà Nội, họ nhìn sẽ phát khiếp nhưng theo tôi thì sự kết hợp hai món này rất ngon". Yap thì lấy máy ra chụp hình.

Nhật báo The New York Times ca ngợi mô hình khám phá ẩm thực Việt Nam 3
Yap và Lowerson bên một khu chợ trong phố cổ

Tour ăn uống hấp dẫn này tiếp tục với món gà tần (gà nấu thuốc Bắc trong vỏ lon nước ngọt) và cà phê trứng. Tiếp đến, Lowerson gọi món sữa chua nếp cẩm. Trong khi Yap ăn, Lowerson giải thích rằng người Việt không giống người Pháp ở chỗ họ ăn món tráng miệng như là một món ăn nhẹ hơn là ăn ở cuối bữa ăn. Yap sửng sốt vì lần đầu tiên được ăn nếp cẩm, giống như là ăn kẹo vậy.

Họ dừng chân bên một khu chợ nhỏ. Lowerson chỉ vào phần cua xay đã làm nên món bún riêu mà Yap ăn hồi sáng. Anh cũng chỉ vào những cái trứng đã có trống và giải thích rằng nó có thể nở thành con vịt, vì thế Yap có thể mua về, chẳng mấy chốc sẽ có vịt con.

Sau một tô bún cá, họ dừng chân ở một quán cà phê, tại đây Lowerson "bàn giao" vị khách cho Tú, người vừa dẫn 5 người Đan Mạch đi khắp nơi trong buổi sáng. Lowerson cũng "cảnh báo" Tú là Yap đã rất no rồi.

Buổi chiều hôm đó, Tú dẫn Yap đi thưởng thức món bánh cuốn nhân thịt và nấm, rồi sau đó là miến lươn xào. Yap rất ngạc nhiên với món lươn nhưng nhận ra dạ dày của mình chỉ còn một góc rất nhỏ cho món ăn hấp dẫn này. Lúc 2h chiều, Tú gợi ý một món khác nhưng Yap cho biết anh đã ăn quá nhiều và không thể tiếp tục được nữa.

Yap nói, trong chuyến công tác lần sau tới Hà Nội, anh sẽ tự tin hơn gọi món ăn trên đường phố. “Tôi đã có lịch ăn tối và không thể hủy được. Tuy nhiên tôi sẽ không ăn nữa!”, Yap nói đầy ẩn ý với Tú khi taxi dừng lại trước khách sạn...

 

Giang Vũ (theo The New York Times)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.