Sáng tinh sương. Con kinh Đuôi Chuột (ấp 1, xã Ba Sao, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) như bừng tỉnh bởi sự xuất hiện của những người lạ. Trên bờ đất vừa được dỡ, bác nông dân chân trần chạy đến hồ hởi: “Trời ơi, mấy anh tới tui mừng quá cỡ!”. Đó là ông Trần Văn Minh. Ông vừa trải qua thời gian ăn không ngon ngủ không yên, nên khi thấy chúng tôi, ông như trút đi bao gánh nặng.
|
Trong một lần mướn cơ giới be bờ ruộng bên hông nhà, những người trong gia đình ông đã tái mặt khi bất thần xuất hiện một... của nợ. Trái bom to tướng trồi lên giữa lớp bùn đất, còn thòng theo sợi dây thép khiến người lái máy phải bỏ công việc để bảo toàn tính mạng.
Nhưng gia đình ông Minh thì không thể bỏ đất mà đi.
Tin đất nhà ông có bom lan đi cả xóm. Bờ ruộng giáp kinh Đuôi Chuột, đang là con đường công cộng bỗng chốc trở thành chốn hiểm nguy. Ai qua lại nhìn trái bom lồ lộ đều thấy “lạnh lưng”. Cũng có những người liều mạng đòi “xung phong” mang bom đi... thả xuống sông, ông Minh không cho. Thế là, một thời gian, gia đình ông trở thành những người trông giữ bom bất đắc dĩ.
Giấc ngủ “thần chết”
Trong một thời gian dài trên khắp miền Tây, người dân không lạ gì cảnh bất ngờ gặp bom. Nào là làm ruộng gặp bom; đào đất gặp bom; khai thác cát gặp bom; thậm chí nấu ăn cũng gặp bom. Những quả bom sót lại sau chiến tranh vẫn còn nguyên mối đe dọa. Trung tá Đặng Anh Dũng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 25 công binh Quân khu 9 - nói rằng cho đến thời điểm này vẫn chưa có được một thống kê tương đối toàn diện số lượng bom mìn, đạn dược, chất độc... của chiến tranh để lại ở ĐBSCL. Người dân ở các nơi gặp bom báo về nhiều. Bộ đội đã thu gom xử lý rất nhiều. Bên cạnh đó là số lượng bom đáng kể được phát hiện khi lực lượng công binh “làm sạch” đất cho các công trình xây dựng. Nhưng vẫn chưa biết đâu là con số cuối cùng. Những “con ma” chiến tranh vẫn còn lẩn khuất đâu đó ở vườn tược, ao hồ, đường sá, rừng rậm…
Một buổi sáng, chúng tôi đã được cái gật đầu chấp thuận cho tham gia vào chuyến đi... nhặt bom. Chuyến đi do trung tá Dũng dẫn đoàn. Trước đó, thông tin được báo về từ Đồng Tháp thì vẫn còn 4 quả bom người dân phát hiện chưa được xử lý. Những quả bom này đều có sức công phá lớn. Thậm chí có trái sức nổ đủ để san phẳng một sân bóng. Trước đó 1 ngày, lính Lữ đoàn 25 đã mang khỏi vùng sinh sống của dân 3 trái to như thế.
Trở lại với con kinh Đuôi Chuột và khu đất nhà nông dân Trần Văn Minh, chúng tôi ghi nhận trái bom dài khoảng 80 cm, đường kính 30 cm, nặng gần 50 kg. Nhiều năm vùi trong đất, khi phát lộ nó đã không còn bình thường. Thân bom một bên, đuôi một bên, thêm sợi “dây lạ” càng làm tăng thêm độ kiêng dè của người chứng kiến. Vừa thấy trái bom, trung tá Đặng Anh Dũng nói đây là loại bom công phá có 2 ngòi nổ. Sợi dây thép dính trên trái bom giữ vai trò kết nối giữa ngòi nổ chính với ngòi nổ phụ. Một thời, những trái bom sét thế này đã tạo không ít khó khăn với lực lượng nhặt bom. Trung tá Dũng cảnh báo, tuy phần ngoài bị phân hủy, nhưng nó vẫn còn nguyên khả năng sát thương.
Được lệnh của chỉ huy, nhóm nhặt bom nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Lúc này, trái bom như “đang ngủ”. Công việc của đội giống như đưa "thần chết" đang ngủ đi khỏi chỗ nằm mà không để cho “ông ta” thức giấc. Bởi nếu bất trắc xảy ra trong quá trình này thì đồng nghĩa với thảm họa.
Lúc này, những người “ngoại đạo” như chúng tôi được lưu ý tránh xa. Thượng úy Nguyễn Văn Hùng tiếp cận và đánh giá phương án vận chuyển trái bom ra khỏi vị trí đang nằm. Sợi dây gắn với bom được đặc biệt lưu ý và tránh tác động mạnh. Dưới sự chỉ huy của trung tá Dũng, các sĩ quan công binh bắt tay vào giai đoạn căng thẳng nhất. Những ánh mắt tập trung cao độ. Bàn tay luồn phía dưới trái bom rất khẽ... Đầu trái bom, nơi có ngòi nổ chính, được nhấc lên. Sợi dây thừng được nhẹ nhàng luồn vào móc cố định bên thân trái bom. Một, hai, ba... trái bom rời khỏi mặt đất. “Thần chết” nặng trĩu trên đôi vai của 2 trung úy công binh. Thời gian như bị nén chặt. Nhịp tim của chúng tôi đập theo từng bước chân của những anh lính trẻ. Những bước đi nhẹ nhàng trên đường đất mấp mô. Qua mỗi hốc đất, người ta lại nín thở nhìn trái bom lung lay, sợi dây thép lung lay... Quãng đường từ nơi trái bom được lấy đến bến sông, nơi chiếc tàu gỗ chờ đưa nó đi chỉ khoảng trên 20m, nhưng cứ thấy như thật dài. Đó là cảm giác của một người đinh ninh rằng mình đang đứng ở cự ly an toàn. Còn những người giáp mặt với tử thần, họ không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện đó. (còn tiếp)
Vượt qua sợ hãi Lữ đoàn 25 là đơn vị chủ lực được Quân khu 9 giao nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở 13 tỉnh khu vực ĐBSCL. Bước chân của họ có mặt ở khắp xóm làng, rừng núi miền Tây. Những câu chuyện của nghiệp binh thường ít được kể lúc trà dư tửu hậu. Những chuyến đi hóa giải hiểm họa bom mìn càng ít được nhắc tới. Bởi ít ai biết nó được mở đầu từ lúc nào và kết thúc ra sao. Chỉ biết rằng trong những trận giáp lá cà với thần chết để mang lại bình yên cho người dân, những người đương đầu với mối nguy tính mạng trước tiên phải là họ. Nhiều chiến sĩ trẻ thường được trui rèn ý chí nhờ lòng dũng cảm của lớp trước nhiều “kinh nghiệm trận mạc”. Vượt qua cảm giác sợ hãi để xả thân cho nhiệm vụ đặc biệt này. Dù rằng, bom đạn luôn không phải là chuyện giản đơn. |
Tiến Trình
Bình luận (0)