Nhặt cá thuê nuôi con vào đại học

31/10/2014 10:26 GMT+7

Mất chồng ở tuổi 33, chị Ngô Thị Diệu ở xã Phổ Thạnh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) phải nhặt từng con cá nhỏ trong bụng mực khi làm thuê để chế biến thức ăn nuôi con vào giảng đường đại học . Chị hy sinh tuổi xuân, nén lòng trước những lời yêu thương của người bạn học vẫn bao năm đợi chờ.

Nhặt cá thuê nuôi con vào đại học
Chị Diệu luôn tất bật với công việc tại cơ sở chế biến hải sản - Ảnh: Trang Thy

Hơn mười năm, kể từ ngày người chồng thân yêu lìa trần vì bệnh ung thư dạ dày, nhưng nỗi đau buồn của chị Diệu vẫn chưa phôi phai. Khi ấy, đứa con thứ 3 của anh chị vừa tròn 5 tháng tuổi. Cứ nhìn mảnh khăn tang trên đầu các con thơ dại, chị lại ngất trong nỗi đau đớn tột cùng. “Lúc ấy, tôi không thiết sống, nhưng vẫn phải gắng gượng vượt qua nỗi đau để nuôi các con ăn học thành người” – chị nói.

Từ người phụ nữ lo nội trợ, chăm nom con, phụng dưỡng cha mẹ chồng già yếu, chị trở thành trụ cột trong gia đình. “Làm gì để có tiền lo cơm áo cho các con và cha mẹ chồng, lo trả khoản nợ đã vay mượn để thuốc thang cho chồng?”. Câu hỏi ấy cứ bám riết lấy chị. Chị đánh liều ra bến cá Sa Huỳnh xin làm thuê với việc phân loại và rửa sạch hải sản với mức thu nhập mỗi ngày chỉ đủ mua vài lon gạo.

Một tư thương thấy chị chăm chỉ đã nhận vào làm tại cơ sở chế biến hải sản với khoản thu nhập cao hơn trước. 3 giờ sáng, chị lo vội bữa sáng đạm bạc cho gia đình rồi đến xưởng xẻ mực, rửa sạch, phơi, sấy khô, đóng gói để giao cho khách hàng. Mãi đến 9 – 10 giờ đêm, chị mới trở về nhà khi cơ thể rã rời, các con ngủ vùi. Những khi đắt hàng, cả ngày đêm chị chỉ nghỉ ngơi khoảng 1 giờ đồng hồ. “Thấy tôi quá khó khăn nên cô chủ luôn dành cho nhiều việc để kiếm thêm tiền. Cô ấy còn cho cá nhặt được trong bụng mực để mang về nhà làm thức ăn hàng ngày. Lắm lúc tôi ngủ gục bên cạnh đống hải sản tươi sống, cô ấy cứ bảo mọi người im lặng để tôi nghỉ thêm cho lại sức” – chị tâm sự.

Nhặt cá thuê nuôi con vào đại học
Bữa cơm trưa đạm bạc của mẹ con chị tại nơi làm thuê - Ảnh: Trang Thy

Rỗi việc, chị mua muối rồi vận chuyển đi bán dạo tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Vài chục nghìn đồng thấm đẫm mồ hôi sau cả ngày rong ruổi khắp nẻo đường quê với gánh muối nặng oằn vai đã giúp con của chị có thêm quyển vở, tấm áo mới vào ngày khai trường. Thương mẹ cơ cực, các con chị bảo ban nhau chăm ngoan, học giỏi. Con đầu của chị là Kinh Quang Nghị thi đỗ vào Trường ĐHSP công nghệ TP.HCM vào năm 2011. Nhận được giấy báo trúng tuyển của con, chị lén nắm lấy gấu áo bạc màu quệt nước mắt vui mừng với nỗi lo “tiền đâu cho con ăn học”. Nhiều người khuyên nên cho cháu đi biển để kiếm tiền phụ giúp mẹ, nhưng chị nhất quyết động viên con đến trường. Hai con còn lại noi gương anh trai luôn chăm ngoan học giỏi. “Dù có khó khăn đến mấy, nhưng tôi vẫn nhất quyết lo cho các con đến trường” – chị nói.

Người bạn học ngày nào thầm thương trộm nhớ vẫn ôm ấp hy vọng cùng chị xây mộng uyên ương. Sự chân thành của anh đã làm chị cảm động nhưng chị vẫn không thể nhận lời. “Khi lấy ảnh sẽ phải sinh thêm con mới mong đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho ảnh và để vui lòng nhà chồng. Lúc ấy, khó có thể lo cho các con của tôi ăn học đến nơi đến chốn” – chị giãi bày.

“Sự hy sinh của mẹ dành cho tụi em tựa như trời biển. Mẹ còn là tấm gương sáng về sự vượt khó giúp cho tụi em phấn đấu vươn lên trong cuộc đời này” – sinh viên Kinh Quang Nghị tự hào nói về người mẹ thân yêu của mình. Đấy là niềm hạnh phúc lớn lao sau những tháng ngày cơ cực làm kiếp “thân cò” nhặt cá nuôi con của chị.

Trang Thy

>> Bán đất nuôi con vào đại học
>> Gà trống nuôi con - Kỳ 2: Quét rác nuôi con vào đại học
>> Viết thư thuê nuôi con vào đại học
>> Trao tiền do bạn đọc gửi tặng gia đình "người vác tro nuôi con vào đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.