Đó là một trong những nội dung chính của Sách trắng quốc phòng 2011 do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 2.8, theo Reuters. Sách trắng có đoạn: “Xem xét sự hiện đại hóa của lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc, tầm ảnh hưởng của họ có thể sẽ vượt khỏi các vùng biển xung quanh”. Tài liệu này cũng nêu rõ: “Trung Quốc sẽ tăng cường mở rộng khu vực hoạt động và tạo khả năng cho lực lượng hải quân hoạt động thường xuyên trong các vùng biển xung quanh Nhật, trong đó có biển Hoa Đông và biển Đông”. Cũng như năm trước, Sách trắng còn lên tiếng quan ngại về sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng và phát triển quân sự của Trung Quốc.
|
Thái độ “ngang ngược”
Sách trắng đã dùng một từ tiếng Nhật có nghĩa là “hống hách” hoặc “ngang ngược” để mô tả thái độ của Trung Quốc về “những mâu thuẫn lợi ích với các nước láng giềng, trong đó có Nhật”, theo AFP. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật nhấn mạnh:
Tàu Trung Quốc khảo sát biển Đông Trong lúc ngăn cấm các bên khác thực hiện thăm dò, khảo sát trong những khu vực tự tuyên bố là của mình, Trung Quốc lại vừa thực hiện một chuyến khảo sát ở biển Đông. Theo Tân Hoa xã ngày 2.8, tàu Thám Bảo đã khảo sát khu vực từ phía tây quần đảo Hoàng Sa tới phía bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 13.6-30.7. Theo tuyên bố của Trung Quốc, chuyến khảo sát này cũng nhằm cung cấp tư liệu khoa học cho việc nghiên cứu các thiên tai như địa chấn, sóng thần… ở biển Đông. Ngọc Bi |
“Theo bối cảnh hiện nay, hướng phát triển tương lai của Trung Quốc là một mối lo ngại”. Cũng trong ngày 2.8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa cho báo giới hay phiên bản tiếng Anh của Sách trắng sẽ dùng từ “ngang ngược”. Ông Kitazawa giải thích: “Chúng tôi dùng cách diễn đạt này vì nghĩ rằng cộng đồng quốc tế có thể cũng quan niệm theo cách đó. Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua quan hệ hữu nghị”.
Tokyo đưa ra những cảnh báo trên sau khi Trung Quốc có hàng loạt động thái trên biển gây quan ngại cho các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã đe dọa một tàu khảo sát dầu khí của Philippines tại khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong) do Philippines kiểm soát. Hơn một tháng sau, giới chức Trung Quốc tuyên bố đưa hai tàu ngư chính đến tuần tra thường xuyên vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 2.5, tờ China Daily dẫn lời Phó giám đốc Cơ quan giám sát hàng hải Trung Quốc (CMS) Tôn Thư Hiền cho hay CMS sẽ tuyển thêm hơn 1.000 nhân viên trong năm 2011, nâng tổng số nhân viên tuần duyên lên ít nhất 10.000 người và sẽ mua 36 tàu tuần tra trong 5 năm tới. Sau đó, trong hai ngày 26.5 và 9.6, tàu Trung Quốc ngang nhiên quấy rối, cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking II ngay trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam. Theo Kyodo News, trong các ngày 7-8.6, Lực lượng phòng vệ biển của Nhật phát hiện 8 tàu Trung Quốc trong vùng biển gần tỉnh Okinawa.
“Khoe” tàu sân bay
Gần đây, giới chức, chuyên gia và truyền thông Trung Quốc không còn úp mở mà công khai nói về chương trình tàu sân bay của nước này. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt hôm 12.7 xác nhận Trung Quốc đang phát triển tàu sân bay đầu tiên bằng cách cải tạo lại tàu Varyag, được mua từ Ukraine vào năm 1998 và tàu này có thể chạy thử trong tháng 8.
CHDCND Triều Tiên “phát triển tên lửa mới” Theo Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên đang phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn tới 4.000 km, có thể vươn đến đảo Guam của Mỹ. Tên lửa này được gọi là Musudan dựa trên công nghệ của Nga trong thập niên 1990 và được thiết kế cho bệ phóng di động, AP dẫn Sách trắng cho hay. Báo cáo cũng khẳng định các dự án tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản. |
Đến ngày 28.7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh cho Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc hay Bắc Kinh “tiếp tục nghiên cứu phát triển tàu sân bay nhằm tăng cường năng lực quốc phòng”. Sau đó 2 ngày, tướng La Viên tại Học viện Quân sự Trung Quốc nhận định Trung Quốc cần ít nhất 3 tàu sân bay sau khi xem xét thấy Nhật và Ấn Độ mỗi nước sẽ có 3 tàu sân bay trước năm 2014.
Hiện giới chức Trung Quốc chưa xác nhận việc đóng tàu sân bay 100% nội địa. Tuy nhiên, tờ The Washington Times dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắt tay vào việc này.
“Chúng tôi đoán Trung Quốc đang đóng ít nhất một tàu sân bay”, một nguồn tin tình báo cho biết. Còn một quan chức khác nhận định rằng nếu Trung Quốc đã xem tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh toàn cầu thì nước này sẽ không thỏa mãn với chỉ 2 tàu. Nhiều quan chức khác dẫn các đánh giá dựa trên thông tin tình báo cho hay tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đang được đóng ở đảo Trường Hưng, Thượng Hải. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy con tàu này có thiết kế tương tự tàu Varyag. Trước đó, Kyodo News dẫn lời người dân Trường Hưng cho hay Hãng tàu Giang Nam trên đảo đã tuyển 10.000 công nhân hồi tháng 1.
Văn Khoa
Bình luận (0)