Nhật hoàng ngỏ ý thoái vị

09/08/2016 06:00 GMT+7

Nhật hoàng Akihito bày tỏ mong muốn thoái vị trong thời gian tới vì lý do sức khỏe yếu không cho phép hoàn thành bổn phận nặng nề của người đứng đầu hoàng gia.

Trong bài phát biểu trước toàn dân kéo dài 10 phút vào ngày 8.8, Nhật hoàng Akihito không trực tiếp đề cập đến mong muốn thoái vị, hoặc sử dụng từ này, nhưng ông bày tỏ rằng tình trạng sức khỏe suy yếu khiến bản thân trở nên lo lắng sẽ không hoàn thành được những nhiệm vụ trên cương vị của biểu tượng quốc gia, theo Reuters.
Chủ đề cấm kỵ
Đây là lần thứ hai Nhật hoàng Akihito phát biểu trước thần dân kể từ khi lên ngôi, và là lần đầu tiên đề cập trực tiếp về quan điểm của bản thân đối với Hoàng gia Nhật Bản. Sở dĩ Nhật hoàng, người không có thực quyền chính trị, không trực tiếp nhắc đến chuyện thoái vị bởi hiến pháp Nhật cấm ông can thiệp vào chính trị cũng như phát biểu bất kỳ điều gì mang hàm ý chính trị. Và việc công khai đề cập đến chuyện thoái vị sẽ có thể bị liệt vào dạng vi hiến vì cả hiến pháp lẫn luật Hoàng cung hiện đều không có từ thoái vị. Đó cũng là lý do Nhật hoàng nói rằng: “Ta buộc phải tránh đưa ra bất cứ bình luận cụ thể nào đối với hệ thống hoàng gia hiện tại”.
Tuy vậy, hàm ý trong bài phát biểu của Nhật hoàng là không thể nhầm lẫn. Ông đã giãi bày về công việc hết sức vất vả trên cương vị Nhật hoàng, người cần phải đi đến mọi nẻo đường của đất nước, đặc biệt đến những vùng hẻo lánh và đảo nhỏ xa xôi. Và Nhật hoàng nhấn mạnh rằng ông không còn tự tin để thực hiện công việc đó.
Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko sau khi dự tang lễ hoàng tử Tomohito, người anh em họ của ông, qua đời vì ung thư, ngày 6.6.2016 Reuters
Nhật hoàng Akihito, sẽ bước sang tuổi 83 vào tháng 12, đã bị chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2003 và trải qua cuộc phẫu thuật ghép bắc cầu mạch vành (tim) vào năm 2012. Các hoạt động phục hồi sau trị liệu và việc tập thể dục thường xuyên giúp ngài giữ được sức khỏe nhưng sau 2 cuộc phẫu thuật lớn, Nhật hoàng cho hay ông “cảm thấy sức khỏe kém đi do tuổi già”. Ông bắt đầu “nghĩ về tương lai chưa được giải quyết, làm sao ta nên cư xử trong khi ngày càng trở nên khó khăn hơn khi thực hiện những bổn phận nặng nề giống như ta vẫn thực hiện lâu nay, và điều gì là tốt nhất cho đất nước, cho người dân, và cũng như các thành viên hoàng gia sẽ tiếp bước ta sau này”.
Đề cập gián tiếp đến câu chuyện kế vị trước đây của bản thân, Nhật hoàng Akihito nói rằng việc vừa than khóc một hoàng đế băng hà, vừa chào đón hoàng đế mới lên ngôi trong cùng lúc đã tạo nên “sức ép lớn lao cho những người liên quan, đặc biệt là gia đình”. Do vậy, ông thừa nhận đã đôi lần suy nghĩ rằng liệu có cách tốt hơn để giảm bớt những nỗi đau khổ đó. Rõ ràng là giải pháp vẹn toàn nhất chính là câu trả không được nói ra: cho phép hoàng đế thoái vị.
Hành lang pháp lý
Trước bài phát biểu hiếm hoi vào ngày 8.8, nhiều người đã dự đoán rằng Nhật hoàng sẽ nhân cơ hội này để nói bóng gió chuyện thoái vị, sau khi tin đồn bắt đầu râm ran cách đây vài tuần. Thái tử Naruhito, 56 tuổi, hiện đã đảm nhận một số nhiệm vụ của phụ hoàng. Vào tháng 5, hoàng cung ra tuyên bố Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko, 81 tuổi, sẽ giảm dần các đợt xuất hiện trước công chúng do tuổi cao sức yếu. Trước đó, cả hai vị vẫn duy trì lịch làm việc căng thẳng, với hơn 250 cuộc gặp mỗi năm và 75 chuyến công du trong và ngoài nước, theo Đài CNN dẫn thông tin từ hoàng cung. Tuy nhiên, giờ đây hơn 100 cuộc họp/năm sẽ bị hủy bỏ hoặc giao phó lại cho thái tử.
Người Nhật xúc động khi chứng kiến bài phát biểu trên truyền hình của Nhật hoàng Akihito ngày 8.8.2016 Reuters
Theo AFP, bài phát biểu của Nhật hoàng sẽ mở đường cho chính phủ xúc tiến thiết lập cơ chế pháp lý cho việc thoái vị, vốn chưa được quy định trong hiến pháp. Phản ứng sau thông điệp, Thủ tướng Shinzo Abe nói chính phủ sẽ xem xét nghiêm túc tâm tư của Nhật hoàng. “Xét đến các nhiệm vụ của Nhật hoàng, cũng như tuổi tác và gánh nặng (công việc), chúng tôi phải xem xét thấu đáo những gì chúng tôi có thể làm”, ông nói.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Hãng thông tấn Kyodo cho thấy hơn 85% số người được hỏi cho rằng nên để Nhật hoàng thoái vị theo tâm nguyện. Tuy nhiên, ý tưởng thoái vị lập tức thổi bùng làn sóng phản đối trong số các chính khách bảo thủ của xứ sở mặt trời mọc, những người lo ngại rằng cuộc tranh luận về tương lai của hoàng gia có thể mở rộng sang đề tài cho phép nữ giới kế vị ngai vàng.
Hiện thái tử Naruhito và thái tử phi Masako chỉ có người con duy nhất là công chúa Aiko, trong khi ngai vàng chưa bao giờ truyền lại cho con gái. Mặt khác, các chính khách này cũng lo ngại diễn biến mới từ hoàng cung có thể đánh lạc hướng nỗ lực của ông Abe trong việc sửa lại hiến pháp theo hướng cho phép mở rộng vai trò quân sự của Nhật.
Nếu tính từ năm 1945, đây là lần thứ ba một Nhật hoàng phát biểu trước toàn dân trong thời đại vô tuyến và truyền hình. Lần phát biểu đầu tiên do Nhật hoàng Hirohito (cha của Nhật hoàng Akihito) thực hiện qua đài phát thanh, tuyên bố rằng Nhật Bản đã bại trận trong Thế chiến thứ 2. Vào tháng 3.2011, Nhật hoàng Akihito cũng có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình sau sự kiện động đất kích hoạt sóng thần gây nên thảm họa hạt nhân Fukushima. Akihito là Nhật hoàng thứ 125, tiếp nối ngai vàng tồn tại suốt 14 thế kỷ ở xứ sở mặt trời mọc. Nếu có thể thoái vị, ông sẽ là hoàng đế Nhật Bản đầu tiên rời ngai kể từ thời hoàng đế Kokaku vào năm 1817.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.