(86 tuổi) tuyên bố tại lễ thoái vị hôm qua, trước khi cùng hoàng hậu Michiko cúi người chào quốc dân.
[VIDEO] Trang nghiêm nghi lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito
|
Buổi lễ bắt đầu vào lúc 17 giờ (tức 15 giờ theo giờ VN) và kéo dài khoảng 10 phút tại Matsu-no-Ma, hội trường trang nghiêm nhất trong cung điện Hoàng gia Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, theo AFP. Khoảng 300 người tham gia buổi lễ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, bao gồm Thủ tướng Shinzo Abe, thái tử Naruhito, thái tử phi Masako cùng chủ tịch lưỡng viện quốc hội và các thẩm phán Tòa tối cao. “Chúng ta mãi khắc ghi trong tim chặng đường Nhật hoàng đã đi qua, cùng lúc nỗ lực hết mình nhằm tạo ra tương lai tươi sáng vì một Nhật Bản tràn đầy hy vọng và hòa bình”, Thủ tướng Abe phát biểu.
|
Trong buổi sáng cùng ngày, Nhật hoàng Akihito khoác lễ phục truyền thống để tiến hành các nghi lễ thông báo về việc thoái vị lên tổ tiên và thần linh tại các đền thờ bên trong cung điện.
Từ sáng, rất đông người dân đã tập trung gần hoàng cung để theo dõi trực tiếp nghi lễ thoái vị trong điều kiện an ninh thắt chặt với sự hiện diện của hàng ngàn cảnh sát, theo Reuters. Trong hôm nay 1.5, thái tử Naruhito, 59 tuổi, sẽ chính thức tiếp quản ngai vàng. “Thiên hoàng luôn được người dân yêu mến. Ngài rất gần gũi và hình ảnh của ngài giúp người dân có thêm nghị lực sau những trận thiên tai. Tôi mong thiên hoàng mới cũng sẽ như vậy”, ông Morio Miyamoto, 48 tuổi, nói với Reuters.
[VIDEO] Triều đại Heisei (Bình Thành) của Nhật hoàng Akihito để lại di sản gì cho Nhật Bản?
|
Nhật hoàng Akihito là hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản và là vị vua đầu tiên từ bỏ ngai vàng trong vòng 2 thế kỷ qua. Triều đại Heisei của ông bắt đầu vào ngày 8.1.1989 và trải qua nhiều thăng trầm của đất nước với nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sự bùng nổ của công nghệ và cả những thảm họa tự nhiên kinh hoàng như trận động đất/sóng thần năm 2011. Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito cùng hoàng hậu Michiko, vị hoàng hậu đầu tiên xuất thân từ gia đình thường dân, luôn nỗ lực xoa dịu những ký ức đau buồn về Thế chiến 2, thường xuyên tiếp xúc với dân thường, đặc biệt là người già, người khuyết tật và nạn nhân trong thảm họa thiên tai. Hồi năm 2016, vị hoàng đế này lần đầu tiên công bố lo ngại sức khỏe và tuổi tác không cho phép ông làm tròn nhiệm vụ sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và phẫu thuật tim.
Dù theo hiến pháp, Nhật hoàng chỉ giữ vai trò biểu tượng và không có quyền lực chính trị nhưng những chuyến công du nước ngoài của Nhật hoàng Akihito được giới chuyên gia đánh giá là mang ý nghĩa trọng đại, thể hiện bước chuyển trong chính sách ngoại giao của Nhật. Trong đó, chuyến thăm VN hồi tháng 3.2017 được xem là dấu mốc lịch sử, nâng tầm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia.
[VIDEO] Nhật hoàng Akihito thoái vị, nhường ngôi cho con trai; danh sách kế vị ít ỏi
|
Sau khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito trở thành thượng hoàng và chuyển đến ở tại một dinh thự trong cung điện, theo AP. Thượng hoàng sẽ không còn xuất hiện trong các sự kiện chính thức của quốc gia, bao gồm cả lễ lên ngôi của thái tử Naruhito. Các hoạt động của thượng hoàng sẽ được giữ ở mức riêng tư để tránh gây ảnh hưởng đến Nhật hoàng mới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư Ngày 30.4, nhân dịp nhà vua Nhật Bản Akihito thoái vị, trở thành thượng hoàng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới thượng hoàng. Trong thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Thượng hoàng Akihito đối với đất nước, con người VN, đồng thời đánh giá cao ý nghĩa lịch sử chuyến thăm VN đầu tiên của nhà vua Nhật Bản năm 2017, khi Thượng hoàng Akihito còn tại vị.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania cũng gửi thông điệp bày tỏ tri ân sâu sắc đến Thượng hoàng Akihito.
Vũ Hân
|
Bình luận (0)