Đó là buổi chiều nhạt nắng ngày 28.4.2005, trong căn nhà nhỏ ở ngõ 147 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), lần đầu tiên gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đọc những dòng nhật ký của chị sau 35 năm được lưu giữ bởi một người lính Mỹ. Nhật ký của chị chứa trong một CD do nhiếp ảnh gia Mỹ Ted Engelmann trao cho gia đình.
Hôm đó, Ted Engelmann kể lại, ông được biết về cuốn nhật ký khi dự hội thảo về chiến tranh VN tổ chức tại Mỹ. Tại hội thảo, một cựu binh Mỹ tham chiến ở VN là Frederic Whitehurst nói về cuốn nhật ký mà ông có được trong trận càn ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) năm 1970. Trong trận càn đó, Frederic đã nhận ra dấu vết còn lại của một trạm xá của quân giải phóng, đã dời đi cùng những thương binh. Frederic thấy sót lại trong đám tro là một cuốn sổ nhỏ, kích thước bằng chiếc máy ghi âm. Người lính Mỹ đó đã không tiêu hủy cuốn sổ khi được phiên dịch người Việt tên là Hiếu nói rằng: "Đừng đốt, trong cuốn sổ đó đã có lửa rồi”.
Sau khi được biết về cuốn nhật ký cùng tên và dòng địa chỉ ngắn ngủi: "Bác sĩ Đặng Ngọc Khuê (bố của bác sĩ Trâm - NV) công tác tại Bệnh viện Đông Anh” ghi trên cuốn sổ, ông Ted đã liên lạc với Tổ chức Quaker (Mỹ) tại VN nhờ họ tìm giúp gia đình của chủ nhân cuốn nhật ký.
Theo địa chỉ ghi trên cuốn sổ, một nhân viên của Quaker tại VN tìm về Bệnh viện Đông Anh thì được biết bác sĩ Ngọc Khuê đã mất. Bệnh viện giới thiệu gặp một đồng nghiệp cũ của ông. Nhưng người đồng nghiệp của cha chị Trâm cũng không biết địa chỉ gia đình chị nên gợi ý đến trường ĐH Dược gặp vợ của vị bác sĩ đã mất là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm.
Khi Tổ chức Quaker báo tin đã tìm được gia đình của chủ nhân cuốn nhật ký, Ted từ TP.HCM tạm dừng công việc trở ra Hà Nội.
Chiều đó, trong căn phòng nhỏ, chúng tôi ngồi đọc những dòng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nét chữ mảnh, nghiêng, dâng đầy cảm xúc. Dòng nhật ký của nữ bác sĩ trẻ còn gửi gắm những tâm sự riêng tư về tình cảm lứa đôi chưa được trọn vẹn...
“Có gì đó tâm linh không thể lý giải” - bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Thùy Trâm nói - “Trước khi lên đường, tôi đã được thông báo đến khách sạn La Thành trên đường Đội Cấn khi đó là một tu viện để gặp và tiễn Thùy Trâm trước khi lên đường đi B. 35 năm sau, cuốn nhật ký của Trâm trở về với gia đình cũng từ khách sạn La Thành - nơi Tổ chức Quaker chuyển lại cho gia đình qua ông Ted”.
Chiều đó, chia tay gia đình khi đã muộn, với vẹn nguyên cảm xúc qua câu chuyện của ông Ted và tâm sự của gia đình chị Trâm, tôi trở về tòa soạn mà lòng rưng rưng. Viết bài về nữ bác sĩ Thùy Trâm, viết về cuốn nhật ký có lửa của nữ liệt sĩ mà nước mắt tôi lăn trên má. Tôi đã thấy một nữ bác sĩ thông minh, nhân hậu rất đỗi dịu dàng trước những thương binh đang cần được chăm sóc, cứu chữa nhưng đó cũng là hình ảnh một nữ chiến sĩ vô cùng mạnh mẽ khi phải đối mặt với cam go, thử thách.
Bài viết Chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc đã được đăng trên Thanh Niên ngày 2.5.2005. Sau đó, nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được báo chí đăng tải. Và như nhiều người đã biết, cuốn nhật ký và nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở thành “hiện tượng” của năm, chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng; một phong trào học tập tấm gương Đặng Thùy Trâm đã được phát động trong ngành y.
Tháng 11 này, gặp lại bà Doãn Ngọc Trâm cùng hai em gái của liệt sĩ là các chị Kim Trâm, Hiền Trâm, tôi rất xúc động khi được biết, cứ dịp sinh nhật của chị Thùy Trâm 26.11, gia đình lại nhận được thư và hoa cùng những lời chúc tốt đẹp từ mọi nơi gửi về.
Liên Châu
Bình luận (0)