1. Buổi sáng. Lẫn trong số người đi dạo, tập thể dục, hình ảnh quen thuộc của công viên là một ông lão luôn đến từ rất sớm, ngồi thu lu một góc trên ghế đá, bên cạnh chiếc xe đạp tồi tàn chỉ còn trơ lại bộ khung, chỉ đẩy chứ không đạp được. Ông lão treo lên “bộ xương” ấy lỉnh kỉnh những túi đựng ve chai, một cái bơm và vài chai xăng. Tất cả vật dụng đó là đồ lượm từ các bãi rác... Ông làm đủ “nghề”: nhặt những lon nước ngọt, ly nhựa mủ người ta uống vứt vương vãi, gom những tờ giấy báo người ta lót đất ngồi đã nhăn nhúm. Có khi ông còn bơm, vá xe và kiêm “trạm bán xăng di động”.
Ông tên Lê Văn Sáu. 76 tuổi, hơn 40 năm nay ông chọn công viên làm chốn mưu sinh. Với ông, công viên còn thân thiết hơn cả ngôi nhà đang ở vì phần lớn thời gian ông quanh quẩn ở công viên này để kiếm ngày hai bữa cơm và là nơi để ông tìm thấy chút niềm vui lúc tuổi già. Ngày nào cũng vậy, mới 4g sáng ông đã lập cập đẩy xe từ Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), rệu rạo qua biết bao con đường trong TP để đến công viên. Trên đường đi, ông còn tạt qua những đống rác bên đường lượm ve chai. Có khi “trúng quả” thì được bữa ăn sáng ấm bụng.
Ông Sáu đi bằng một chân giả. Sau một lần qua đường bị xe tông, ông vĩnh viễn mất phần chân phải. Ông Sáu có một người con trai chạy xe ba gác, lấy vợ được mấy năm thì bị vợ chê nghèo bỏ đi biệt tăm. Vợ ông mất đã năm năm. “Hồi đó đưa bả đi khám, bác sĩ bảo chỉ còn nước mổ mới may ra cứu được, nhưng mổ thì rất tốn kém. Tôi tính bán nhà để lấy tiền chữa bệnh nhưng bả nhất quyết không cho nên đành để bả bỏ tôi mà đi” - ông lão chậm rãi kể.
Ông lão cứ ngồi đó, lặng lẽ giữa một góc công viên rộng lớn nhưng đôi mắt luôn quan sát xung quanh tìm cơ hội chắt chiu từng đồng đắp đổi bữa ăn qua ngày.
2. Trưa là lúc công viên sôi động nhất. “Đóng quân” quanh mép công viên phía nhà thờ Đức Bà là những tốp sinh viên ĐH Kiến trúc ngồi bệt dưới nền ximăng, sôi nổi trao đổi với nhau thực hành một môn học. Rải rác khắp công viên, một vài nhóm bạn trẻ đang ngồi chăm chú học bài. Thùy Linh, sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Những ngày được nghỉ học hoặc phải làm đề tài thảo luận thì cả nhóm mình đều hẹn nhau ra công viên. Giống như một thói quen hoặc sở thích ấy”.
Cô Nga, một phụ nữ bán hàng rong, cố gắng mời mọc nhóm Linh bằng những mớ xoài, đậu phộng, bánh tráng... Nhóm bạn lắc đầu. Người đàn bà bán hàng rong vẫn cười tươi, lăn chiếc xe ra mép công viên tranh thủ ăn vội miếng cơm trưa. Bữa trưa của cô là cơm chan nước tương với ít đậu hũ chiên.
Khác với ông Sáu ve chai luôn mang một nỗi buồn ưu tư, cô Nga bán hàng rong dù phải ngồi xe lăn nhưng chưa lần nào thấy cô không cười. Một nụ cười đôn hậu. Cô bảo: “Phận mình đã vậy, có khóc, có tuyệt vọng đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cứ cười cho át, cho quên hết nỗi buồn”.
Quê cô Nga ở tận Thanh Hóa. Đôi chân và cánh tay trái cô bị liệt vĩnh viễn sau trận sốt bại liệt lúc 5 tuổi. 10 tuổi, cha mẹ mất, anh chị em ruồng bỏ, cô một thân vào Sài Gòn kiếm sống. Ngày đi làm mướn, tối đến cô lấy gốc cây cổ thụ, mái hiên, ghế đá... làm nhà.
|
3. Chiều buông. Công viên trở nên tĩnh lặng. Trên đường Lê Duẩn, Hàn Thuyên... dòng người cứ lao đi vùn vụt. Ở một góc yên tĩnh nhất của công viên, một cụ già râu tóc bạc trắng ngồi trầm tư. Cụ tên Hoàng, 80 tuổi. Mười năm nay, dù nắng hay mưa cụ vẫn đều đặn đi bộ từ nhà ở quận 3 ra công viên.
Cụ bảo: “Ở nhà ngột ngạt quá. Ra đây được nhìn người và xe qua lại thấy vui vui và được hít thở không khí trong lành. Dù ngày nào cũng ra công viên nhưng tôi thấy cứ qua một ngày công viên lại khang khác. TP mình thay đổi nhanh quá...”.
Khuất sau hàng cây cổ thụ, bà cụ Liễu bán nước vẫn ì ạch từng bước nhẫn nại đẩy chiếc xe chất đầy nước ngọt đi tránh mưa. Xấp xỉ tuổi bát tuần, lưng còng như dấu chấm hỏi, miệng móm mém nhưng lần nào ra công viên cũng thấy cụ. Trong những người bán nước tại công viên thì cụ Liễu được xem là “cửa hàng tạp hóa di động”, bởi cụ bán đầy đủ các mặt hàng từ nước ngọt, cóc, xoài, ổi, bánh tráng, thuốc lá...
Cụ bảo: “Công viên này tui gọi là công viên lắm chuyện. Lắm chuyện vì muốn sống ở đây thì phải chấp nhận nghe đủ chuyện nhân tình thế thái trên đời. Ngày nào cũng có chuyện”. Và có lẽ cũng vì sợ sự lắm chuyện của người đời mà ở tuổi gần đất xa trời này, cụ Liễu vẫn thui thủi một mình. Cụ bảo sống như vậy đỡ làm phiền người khác.
4. Đêm xuống. Sài Gòn lung linh và rực rỡ đèn. Công viên lại sôi động không khác gì ban ngày. Đâu đó trong dòng người tới công viên hóng mát là những gương mặt, những dáng hình quen thuộc gặp từ buổi sáng. Họ gắn bó với công viên, sống cùng công viên từ lúc ướt đẫm hơi sương tới khi TP đi ngủ.
21g, cô Nga bán hàng rong đẩy xe lăn ra trước nhà thờ Đức Bà cầu nguyện. Ngồi trên xe, mắt cô nhắm nghiền, hai tay chắp lại trước cằm. Tối nào cô cũng dành 30 phút để cầu nguyện trước lúc rời công viên. Không biết cô cầu gì, ước gì cho phận đời trôi nổi, bạc phận của mình... Ở góc công viên, ông Sáu khốn khổ đang thu dọn bộ đồ nghề. Dưới bóng đèn cao áp vàng vọt chợt nhận ra nét vui tươi hiếm hoi trên khuôn mặt ông lão. Chắc hôm nay ông lão nhặt được nhiều giấy báo và vá thêm được chiếc xe...
22g30, cụ Hồng (75 tuổi, quê Phú Yên) nhẫn nại xách trên tay chùm bánh đa, trứng cút, xoài, ổi... Tiếng rao yếu ớt của cụ như thều thào giữa không gian ầm ì của công viên rộng lớn. Hơn 30 năm qua cụ đã quen với cái nghề làm đêm ngủ ngày. Cứ 15g cụ chuẩn bị đủ loại bánh trái, nặng chừng 20kg, rồi đi bộ từ nhà trọ trên đường Kỳ Đồng (Q.3) ra công viên 23-9. Cụ ở đó, bán từ 15g-21g là đi bộ qua công viên 30-4. Bán đến 23g, cụ trở lại bán ở công viên 23-9 đến 2g-3g sáng mới về.
Cụ Hồng bảo sinh được một mụn con gái lại lấy chồng xa nên cụ vào đây ở với con rồi bán hàng ban đêm kiếm sống, phụ thêm tiền nuôi hai đứa cháu ăn học. Cụ nói: “Già rồi, ăn uống hết bao nhiêu đâu. Thôi thì cố gắng nhín ăn uống giúp con giúp cháu được đồng nào hay đồng ấy”. Cụ tâm sự khi bán hàng ngang công viên thấy mấy cụ áo quần lịch sự tập dưỡng sinh, cụ chạnh lòng lắm. Cụ muốn được như họ nhưng không dám nói với ai, kể cả con cái vì sợ con tủi thân.
23g, công viên lạnh vắng người, buồn hiu hắt. Trong ánh đèn cao áp nhợt nhạt, cụ Hồng lọm khọm dò dẫm đi bán rồi khuất dần sau hàng cây cổ thụ.
5 0g. Thành phố ngủ say sau một ngày sôi động, huyên náo. Nhưng có lẽ công viên 30-4 không bao giờ ngủ. Lấp ló quanh mép của công viên, lầm lũi những dáng người phụ nữ dầm mình dưới làn sương đêm lạnh cóng với gánh hàng rong lệch một bên người. Cuộc mưu sinh lúc nửa đêm về sáng cũng đầy mồ hôi.
Phần lớn phụ nữ bán hàng rong quanh mép công viên đến từ các tỉnh miền Trung. Họ loanh quanh di chuyển cả ngày rạc cả chân. Đến đêm, họ vẫn lao vào cuộc mưu sinh để lo tiền cho con ăn học. Chị Trần Thị Thanh, quê Bình Định, tự hào kể về cô con gái Bích Hà đang là sinh viên năm 2 khoa kế toán Trường ĐH Bình Dương. Chị bảo: “Khi nghe tin con bé đậu đại học tui mừng nói không nên lời. Lúc đó tui chỉ nghĩ một điều là đời nó sẽ không phải đi bán hàng rong như mẹ nó nữa. Tui phải bán ngày bán đêm để con yên tâm mà học”.
Cô N.T.C. thì cười rất tươi khi kể về những đứa con của mình. Nhà có ba đứa thì hai đứa đang học ĐH. Người con trai duy nhất đang học năm 3 khoa xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Cô con gái út là sinh viên năm 1 Trường ĐH Hùng Vương... Những buổi mưu sinh thâu đêm như thế, những người mẹ ấy lại lầm lũi bất chấp nguy hiểm rình rập để bán giấc ngủ đổi lấy chữ cho con...
Theo Hoàng Lộc - My Lăng / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)