Nhật ký World Cup 2018: Khoảnh khắc đứng tim ở Sochi

25/06/2018 09:07 GMT+7

Chàng trai Philipp nhắm mắt lại, cúi đầu xuống giữa đám đông đang nín thở. Một vài giây sau, anh vùng dậy ôm lấy cha và hò reo không ngớt.

Cuối hiệp 1 trận đấu trên sân Fisht Olympic, tôi di chuyển từ chỗ ngồi của các cổ động viên Thụy Điển sang chỗ người Đức. Không phải là một sự thay lòng đổi dạ, tôi chỉ muốn tận mắt chứng kiến người Đức đối diện với thời đoạn cực kỳ khó khăn này như thế nào. Người Thụy Điển thì tôi đã gặp nhiều lần, chẳng hạn lần họ nhuộm vàng thành phố Toulouse hồi Euro 2016, hay mới đây, họ lại nhuộm vàng Nizhny Novgorod mộng mơ bên bờ sông Volga và hát vang điệp khúc ngạo nghễ: “Thành phố này là của chúng tôi!”.

Còn người Đức, đa phần những lúc tôi gặp là họ đang vui, chẳng hạn như trên khán đài ở Belo Horizonte khi họ vùi dập Brazil 7-1, hay trong trận chung kết 4 năm về trước. Còn giờ đây, những người Đức kiêu hãnh đang lâm vào hiểm cảnh, đang theo dõi từng đường bóng lăn với nhịp tim dồn dập, đang chốc chốc lại nhìn đồng hồ như muốn níu kéo thời gian. Ngay cả khi Marco Reus, thiên thần xui xẻo của nước Đức, ghi bàn gỡ hòa thì người Đức vẫn đứng ngồi không yên, hay nói đúng hơn là họ vẫn không dám ngồi mà cứ đứng xem suốt trận.

“Anh có tin rằng đội tuyển Đức sẽ vượt qua không?”, tôi hỏi Philipp, chàng trai đến từ Mannheim đi xem bóng đá cùng cha mình. Anh chàng cười, nói rằng tin thì tin nhưng vừa xem vừa run: “Các cầu thủ đang chơi rất hay, vấn đề là bàn thắng. Chúng tôi cần một bàn thắng nữa”. Vài hôm trước, sau khi thua Mexico, Joachim Low vẫn tràn đầy tự tin: “Chúng tôi không bị ám ảnh bởi câu chuyện của những nhà vô địch phải về sớm trước đây. Chúng tôi sẽ thắng và đi tiếp”. Đấy là ông Low nói trước công chúng, cũng là nói với các cầu thủ của mình nên cần phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ. Nhưng ở góc này của khán đài, trong thời khắc mà tiền đồ của Đức chỉ được tính bằng phút, tôi đã không dám nhìn vào mắt những con người đang hồi hộp lo âu tột cùng, dù mới đầu trận, tôi đã gặp họ ngạo nghễ với 4 ngôi sao trên ngực.
Ở góc này của khán đài, những con người Đức cũng yếu đuối, cũng mong manh và dễ vỡ như bất kỳ ai trong chúng ta. Tôi tự nhủ: “Hóa ra cái tự gọi là tinh thần Đức chỉ là huyền thoại”. Tất nhiên đấy chỉ là một cảm nhận mang tính cá nhân trong một chiều không gian thuần cảm tính.
Ở một giác độ khác, tinh thần Đức đang phát huy tới đỉnh điểm của nó, ấy là trên sân cỏ, khi đội tuyển chỉ còn 10 người và chỉ còn cách ga đến của sân bay Frankfurt vài phút giây ngắn ngủi. Cái chết đang đến, từ từ. Trên khán đài, có lẽ rất nhiều người Đức đã chấp nhận với kết cục này: một trận hòa có nghĩa là 99% bị loại. Nhưng ở giây phút tối hậu ấy, chợt hiện ra một hình ảnh kỳ vĩ. Hai con người, Marco Reus và Toni Kroos cùng chuyển động. Kroos nhìn thẳng về phía khung thành nhưng rồi cú sút của anh lại không hề đi thẳng. Nó xoáy vòng, như cố tình muốn kéo thêm vài phần triệu giây hồi hộp cho người Đức. Philipp, chàng trai trẻ đứng cạnh tôi từ đầu hiệp 2, đã không xem được khoảnh khắc diệu kỳ ấy. Hàng ngàn người Đức trên sân có lẽ cũng như anh. Họ đã không dám đối diện, họ đã nhắm mắt nguyện cầu. Giây phút mà nhiều người Đức không ngờ nhất, đã gần như mất hết niềm tin, thì chính các cầu thủ Đức đã tự tìm cho mình lời giải.
“Anh hỏi tôi cảm thấy như thế nào ư? Như đang mơ vậy. Chúng tôi đã hồi sinh. Tôi không ngờ rằng đã có lúc chúng tôi gặp khó khăn như thế. Và rồi mọi chuyện xảy ra như trong mơ”, Philipp nói như hét lên khi tôi phỏng vấn anh cho một phóng sự truyền hình sau trận đấu. Xung quanh tôi lúc ấy, đan xen giữa màu vàng nặng trĩu là những người Đức lại chuyển động ầm ầm, không khí chẳng khác gì khi người Đức đánh bại Brazil 7-1 năm nào. “Chúng tôi đặt vé theo triển vọng của đội tuyển. Có nghĩa là đội tuyển đi đến đâu thì chúng tôi có vé xem tới đó. Đã có lúc tôi nghĩ mình chỉ xem được 3 trận ở World Cup này. Giờ đây tôi đã có thể nghĩ tới việc xem nhiều trận hơn”, anh chàng Frank đến từ Hamburg nói, giữa lúc đang cùng bạn bè hát vang điệp khúc “Deutschland! Deutschland!” và “Finale!” (“Nước Đức!” và “Chung kết”).
Sau một khán đài ngập tràn cảm xúc, buổi đêm sau trận đấu, trong khu phỏng vấn cầu thủ dưới đường hầm, tôi đã gặp những con người Đức điềm tĩnh, Rudy, Hector, Rudiger, Werner... Đó là các cầu thủ vừa bước ra từ trận cầu nghẹt thở trên sân Fisht Olympic, nơi mà Rudy đã đổ cả máu khi anh cùng đồng đội giành 3 điểm quý giá. Ở đây, họ ít đề cập về chiến thắng vừa qua mà dành nhiều thời gian hơn để nói về những việc phải làm. Trước mắt hẳn không phải là một cuộc xả hơi mà là những trận cầu phải thắng.
Nửa đêm, đèn trên sân Fisht Olympic giảm dần cường độ, dòng người cuộn chảy đổ về Adler, về Sochi và các khu đô thị nằm cheo leo trên triền núi bên bờ Biển Đen. Sáng hôm sau, tôi thức dậy, thấy biển người ấy như tan loãng vào không gian. Người Thụy Điển đã đi về phương đông, đến Ekaterinburg để chuẩn bị cho trận cầu sinh tử với Mexico. Những người Đức đã lên đường hướng tới thành phố nhỏ Kazan bên bờ Volga, nơi họ sắp có cuộc đối đầu với Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.