Nhật ký World Cup 2018: Trùm phượt khoác kimono

“Trong những sự kiện cực kỳ quan trọng, như trận bóng hôm nay, chúng tôi mặc kimono, bởi kimono là samurai, là tinh thần Nhật Bản”, Ryuichi Kuramochi giải thích.

Khi tôi đang ở giữa Moscow sôi động sau trận thắng thứ hai của đội chủ nhà Nga, Ryuichi Kuramochi gọi cho tôi qua Facebook: “Anh biết không, hôm nay tôi quá vui”. Tôi đáp: “Tôi biết rồi, Nhật Bản thắng tuyệt vời quá, chúc mừng anh”. “Nhật thắng thì tất nhiên vui rồi. Vui hơn nữa là tôi được nhiều đài truyền hình phỏng vấn. Anh rảnh thì mở NHK, FUJI TV, Sky, ESPN có khi thấy tôi đấy”, Kuramochi khoe. “Tôi được các đài truyền hình chú ý bởi tôi mặc kimono”.

Ryuichi Kuramochi, 45 tuổi, đến từ TP.Yokohama. Khi gặp chúng tôi tại nhà trọ Moscow Friends, anh nói rất thích đi du lịch. Tôi bèn lấy hộ chiếu chi chít dấu thị thực của mình ra khoe rằng tôi đã đi nước này nước kia, lại lấy hình trên Facebook ra làm bằng chứng cho những nơi mình đã đến. Cứ mỗi lần như vậy, Kuramochi lại làm tôi mất hứng bằng câu: “Tôi cũng đến nơi này rồi”. Hóa ra anh ta là trùm phượt, mỗi năm dành khoảng 60 ngày để đi đây đi đó và đến nay đã đi 53 nước. “Tôi tới VN rồi, tới vài lần và tôi rất thích các bãi biển ở VN”, anh kể.
Chuyến đến Nga xem bóng đá lần này, anh sắp xếp rất khoa học để làm sao thăm thú được càng nhiều nơi càng tốt. Thoạt tiên anh đến Moscow, sau đó bay sang St.Petersburg chơi 1 ngày, rồi trở lại Moscow chơi 2 ngày, xong mới xuống Saransk cổ vũ cho đội tuyển Nhật Bản 2 ngày, rồi trở lại Moscow xem trận Ma Rốc - Bồ Đào Nha trước khi đi thẳng từ sân vận động ra sân bay.
Một buổi tối ở khu nhà trọ, Kuramochi tới chào tôi, bảo rằng buổi đêm hôm đó trong lúc tôi đang ngủ thì anh sẽ ra ga đi Saransk để cổ vũ cho đội tuyển Nhật Bản trong trận gặp Colombia. Tôi chúc anh có chuyến đi vui vẻ và chúc đội tuyển Nhật Bản chiến thắng. Và chiến thắng đến thật, tỷ số 2-1 trước một đối thủ rất mạnh là Colombia cho thấy người Nhật Bản đã bước vào cuộc chơi với một sự sẵn sàng cao độ, như những gì mà họ đã thể hiện 8 năm về trước tại Nam Phi.
“Cổ động viên Nhật Bản tới Saransk rất đông. Tôi ngồi giữa một biển người áo xanh. Anh biết không, tôi đã đi nước ngoài hàng trăm lần, tới 53 nước, nhưng chưa lần nào như lần này. Chuyện này chỉ xảy ra một lần trong đời thôi”. Rồi Kuramochi kể sau trận đấu, anh cùng những người đồng hương đã ở lại dọn rác trên khán đài, xong đâu đấy mới rời sân.
Chuyện cổ động viên nán lại dọn rác sau khi cuộc đấu tan đến nay đã trở thành chuyện thường. Nhưng 8 năm về trước, khi các cổ động viên Nhật Bản làm điều tương tự, thì nó đã trở thành một sự kiện truyền thông. Tôi nhớ hồi World Cup 2010 ở Nam Phi, sau trận Nhật Bản thua Bờ Biển Ngà 1 - 2, nhiều người Nhật với áo kimono và áo cổ động viên màu xanh đã nán lại nhặt rác. Chuyện này được báo chí đưa tin rất đậm đà và đã trở thành hiệu ứng lan tỏa toàn cầu. Sau các trận đấu khác ở World Cup, ở Euro, dễ dàng để bắt gặp các nhóm cổ động viên nán lại sân dọn sạch khán đài trước khi về. Hành động đẹp đó còn lan tỏa tới cả các giải đấu như SEA Games, AFF Cup. “Không phải nhằm gây chú ý đâu, chúng tôi làm điều đó hằng ngày ở Nhật Bản”, Kuramochi phân bua.
Ryuichi Kuramochi dọn rác trên khán đài sân đấu Saransk - Nhân vật cung cấp
Hôm qua gặp lại Kuramochi, tôi vẫn thấy anh mặc kimono. “Tôi mặc kimono lên tàu bởi không còn thời gian để thay. Tôi lên Moscow xem trận Bồ Đào Nha gặp Ma Rốc, sau đó về Nhật Bản luôn, vẫn mặc bộ kimono đó trên máy bay”. Tôi hỏi mặc kimono đi xem bóng đá, đối với anh, có ý nghĩa như thế nào. Kuramochi bảo anh và nhiều người khác muốn thể hiện hình ảnh Nhật Bản từ trên khán đài nên chọn mặc kimono hoặc yukata. “Chúng tôi có rất ít dịp để mặc kimono. Ngày nay giới trẻ không mặc kimono, nhưng trong những sự kiện cực kỳ quan trọng, như trận bóng hôm nay, thì chúng tôi mặc kimono, bởi kimono là samurai, là tinh thần Nhật Bản”, Kuramochi giải thích.
Nhận thấy sự háo hức của Kuramochi, tôi gợi ý anh ở lại thêm để cổ vũ cho đội nhà, bởi Nhật Bản có tiềm năng tiến xa tại World Cup lần này. “Tôi muốn lắm nhưng chịu anh ạ. Tôi phải về để làm việc”. Tôi nhớ ra hồi Euro 2016, các cổ động viên Ireland, Bắc Ireland, xứ Wales và Anh thường hát bài nhạc chế “Xin đừng bắt tôi phải về nhà”, với những câu giản dị như: “Xin đừng bắt tôi phải về nhà/Xin đừng bắt tôi phải đi làm/Tôi còn phải uống bia ở đây…”. Đấy là tâm trạng háo hức với cuộc chơi, bịn rịn không muốn rời khỏi cái không khí này để trở về với công việc. Anh bạn người Nhật Kuramochi cũng có tâm lý như vậy, có điều anh ta phải trở về, đó là nguyên tắc của anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.