Nhật ký World Cup: Hẹn nhau ở Doha
World Cup Qatar hẳn sẽ không còn những tự do phóng khoáng như từng có ở Đức, Nam Phi, Brazil và Nga. Nhưng lời hẹn thì vẫn cứ ngọt ngào và đầy quyến rũ. Đã đến lúc sạc đầy pin, thắt dây giày và xách ba lô lên!
Tự động phát
“Anh sẽ đi Doha chứ?”, Paula Ferreira Cruz đã hỏi tôi như thế, vào lúc còn nhiều ngày nữa trái bóng Al Rihla mới lăn trong một giải đấu tréo ngoe mà với dân mê bóng đá thì có trăm ngàn thứ kỳ cục lạ lùng. Paula là một cô gái Bồ Đào Nha yêu bóng đá cuồng nhiệt, như hầu hết người dân xứ sở của cô mà tôi từng gặp đâu đó trong các mùa World Cup và EURO.
Các giải đấu cứ thế đến rồi lại đi, các cầu trường bùng lên rồi lắng xuống, nhưng những kết nối con người thì vẫn ở lại rất lâu.
“Tất nhiên, tôi sẽ đi”, tôi đáp.
Tác giả và các CĐV Bồ Đào Nha tại World Cup 2014 ở Brazil |
Một World Cup nghiêm ngặt
World Cup sắp diễn ra giữa một đất nước vùng Trung Đông và vào cuối năm, một kỳ World Cup mùa đông, có thể gọi như thế. 12 năm trước, khi World Cup diễn ra ở Nam Phi, đấy cũng là vào giữa mùa đông của Nam bán cầu, với cái lạnh gần 0 độ C trên miền cao nguyên Gauteng. Dù thế, World Cup ấy vẫn rơi vào giữa năm, tức là mùa hè ở Bắc bán cầu.
Với Qatar thì lại khác, sau một quy trình chọn nước đăng cai đầy tranh cãi, người ta đã dời giải đấu tới cuối năm để khí hậu mát hơn đôi chút. Và bởi cuối năm là cao điểm các giải đấu cấp câu lạc bộ châu Âu, nên cho đến hôm nay, một tuần trước khi trái bóng World Cup lăn trên sân cỏ, dân hâm mộ vẫn còn bàn về cuộc đua Real - Barca ở Tây Ban Nha, cuộc quật khởi của Napoli ở Ý, hay là phong độ ấn tượng khó tin của Arsenal ở xứ sương mù. Không khí Qatar 2022 vì thế mà chưa thực sự nóng như vốn nó phải thế.
Diễn ra giữa Trung Đông, cách không xa các điểm xung đột như Yemen, Syria, trong bối cảnh dư âm các cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan, Libya vẫn còn, an ninh trở thành mối quan ngại đặc biệt. Sự cảnh giác, cộng thêm các luật lệ khắt khe của một quốc gia Hồi giáo, thành ra giới báo chí và người hâm mộ đến với World Cup 2022 đều phải trải qua sự rà soát nghiêm ngặt, cũng như phải tuân thủ các quy định chặt chẽ tới mức phiền toái.
Sau khi hoàn tất các thủ tục để được cấp thẻ tác nghiệp và thẻ Hayya (thị thực nhập cảnh), các phóng viên phải khai báo thiết bị mang theo, từ máy ảnh cho đến chiếc micro không dây. Flycam thì tuyệt đối không được sử dụng. Người đăng ký thẻ Hayya, vốn được cấp khá dễ với điều kiện là đã mua vé hoặc đã được xác nhận thẻ tác nghiệp của FIFA, một khi vào Qatar còn phải cài ứng dụng Ehteraz của Bộ Y tế để truy vết tiếp xúc, việc đặt chỗ ở cũng được thực hiện với các thủ tục khai báo thẻ Hayya như kiểu đăng ký tạm trú.
Hồi World Cup 2018 ở Nga, những người bạn Bồ Đào Nha của tôi mang tới món salami cùng thứ rượu vang ngọt thơm khét tiếng được ủ từ nho trồng bên bờ Đại Tây Dương. Đôi lúc bên hè phố Moscow, họ bày ra những bữa tiệc dã chiến tưng bừng. Ấy thế nhưng, cảnh ngẫu hứng này sẽ không còn tái diễn, khi Qatar quản lý chặt đồ uống có cồn. Chỉ một số ít khách sạn quốc tế được cấp phép bán rượu bia. Việc uống bia tại sân vận động và nơi công cộng cũng bị hạn chế. Hình ảnh những CĐV khật khưỡng cùng chai bia trên hè phố sẽ không còn.
Điều đó cũng tốt, có thể giúp giải đấu an toàn hơn, nhưng với dân xem bóng đá, những người thường đồng thanh hát: I wanna stay here and drink all your beer (Tôi muốn ở đây để uống hết số bia này), đây giống như là một lệnh giới nghiêm vậy, không mấy vui vẻ cho một mùa hội tưng bừng. Hiệp hội CĐV Anh và Xứ Wales mới đây khuyến cáo: “Không mang rượu vào Qatar hoặc uống bia rượu trên phố. Bạn có thể bị trục xuất hoặc bị bắt”.
Một trong những phiền toái và cản trở nữa là chi phí lưu trú. Nước chủ nhà Qatar có nhiều nỗ lực để cung cấp các dịch vụ miễn phí, như tàu điện, xe buýt. Mỗi CĐV có vé đến đất nước này còn được phát một thẻ sim miễn phí với hạn mức dữ liệu internet 2022 Mb. Ban tổ chức nước chủ nhà còn thiết lập một hệ thống chỗ ở “bình ổn giá”, bao gồm khách sạn siêu cao cấp, du thuyền, khu căn hộ, làng CĐV. Gọi là “bình ổn giá” bởi giá ở đây không dao động kể cả lúc cao điểm giải đấu, với mức thấp nhất là 84,07 USD/đêm (tương đương 2,1 triệu đồng), nhưng mức này đã được đặt kín chỗ trong nhiều khoảng thời gian. Mức cao nhất là 5.133,07 USD/đêm (khoảng 128 triệu đồng). Các phòng trọ tạm thời làm bằng container tại làng CĐV có giá trung bình 200,07 USD/đêm (khoảng 5 triệu đồng).
CĐV tại World Cup 2018 |
Đỗ Hùng |
Bên ngoài hệ thống đối tác chính thức của ban tổ chức, khách sạn và loại hình lưu trú khác có giá tăng chóng mặt. Tôi thử khảo sát giá trên trang đặt chỗ Agoda, một khách sạn bình dân ở trung tâm Doha có giá trước khai mạc tầm 1,3 triệu đồng/đêm, lúc vào giải giá mỗi đêm lên tới 18 triệu đồng. Giá mỗi chiếc giường trong một phòng ở chung 4 giường vào khoảng 130 USD/đêm.
Trên nhóm Facebook do một số người VN có kế hoạch đi Qatar lập nên để chia sẻ kinh nghiệm và góp tiền ở chung, không ít người đã tuyên bố bỏ cuộc vì không chịu nổi chi phí.
Đầy thách thức và trở ngại, nhưng có một điểm đặc biệt khiến World Cup 2022 trở nên dễ dàng hơn: Đất nước Qatar có diện tích nhỏ nên khoảng cách giữa hai sân bóng xa nhau nhất chưa tới 100 km. Điều này khác hoàn toàn so với các kỳ World Cup tại Brazil hoặc Nga, khi mà muốn đi từ sân này sang sân kia nhiều lúc phải bay tới 4 - 5 giờ.
Trái bóng Al Rihla sắp lăn trên sân cỏ Qatar |
FIFA |
Giữa một thế giới cách ngăn
Để trải nghiệm cảm giác tự do, nhiều người bạn Bồ Đào Nha của tôi từ rất sớm đã rong ruổi đường bộ trên những chiếc xe được cải tạo lại nội thất thành những ngôi nhà. Bên trong, họ chở theo salami, rượu vang, các loại thực phẩm để dùng, hàng lưu niệm để bán.
Anh bạn Carlos Brum đã khởi hành ngày 28.9 từ thành phố quê nhà Lagos ở miền nam Bồ Đào Nha, xuyên qua Tây Ban Nha, Pháp và một vạt Nam Âu, qua vùng Balkan, rồi băng qua eo biển Bosporus nối giữa châu Âu và châu Á, xuyên qua đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mênh mông.
Tới đây thì hành trình bắt đầu gập ghềnh. Do mạn Syria, Iraq an ninh bất ổn, họ phải chạy ngược lên Armenia, vừa đi chơi vừa chờ Iran cấp phép nhập cảnh. Một khi được nhập cảnh, họ sẽ đi xuyên Iran, tới eo biển Hormuz, sau đó đi phà qua Oman và chạy xe lên Qatar.
Kế hoạch là vậy, nhưng sau gần hai tuần nằm chờ ở Armenia, họ đã bị chính quyền Iran từ chối nhập cảnh. Không còn cách nào khác, Carlos Brum và các bạn đồng hành phải lái xe trở lại Hy Lạp. Từ đây, họ bỏ xe lại và sẽ bay tới Qatar ngày 18.11 để kịp cho trận khai mạc.
Carlos từng lái xe tới Đức, Nam Phi, Nga trong các kỳ World Cup trước mà chưa hề gặp trở ngại nào. Thế nhưng, lần này anh đã phải bỏ cuộc. Nhiều CĐV châu Âu khác cũng phải quay xe do không được phép đi xuyên qua lãnh thổ Iran, nơi được coi là tuyến đường duy nhất để đến Qatar, trong bối cảnh việc băng qua Iraq có nhiều rủi ro an ninh.
Hành trình trắc trở của Carlos minh họa sống động cho một kỳ World Cup nhiều chia rẽ và một thế giới ngày càng cách ngăn. Qatar được chọn đăng cai thông qua một quy trình bê bối đã khiến nhiều quan chức bóng đá bị trừng phạt. Qatar cũng hứng chịu nhiều chỉ trích, tẩy chay liên quan đến bóc lột công nhân tham gia thi công các công trình World Cup. Và gần đây là sự kiện Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine khiến tuyển Nga bị loại khỏi giải đấu. Các sân cỏ ngày càng trở nên đậm đặc màu chính trị hơn, dù lâu nay giới làm bóng đá luôn nêu cao khẩu hiệu phi chính trị.
Đầy căng thẳng và trục trặc, nhưng World Cup rốt cuộc đã sừng sững trước mặt. Tôi nhận thêm nhiều lời hẹn và cũng sẵn sàng cho một chuyến trải nghiệm World Cup nữa.
“Hẹn gặp ở Doha nhé”, tôi nhắn cho Paula, lời hẹn giờ đã trở nên cụ thể hơn.
“Vâng, hẹn gặp ở Doha!”.
Bình luận (0)