(TNO) Nhật Bản đã đánh bại Trung Quốc trong việc giành quyền xây dựng một cảng nước sâu tại Matarbari của Bangladesh, có vị trí chiến lược quan trọng trên Ấn Độ Dương.
>> Trung Quốc mưu đồ thống trị Ấn Độ Dương?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina trong chuyến thăm hồi tháng 9.2014 - Ảnh: AFP
|
Việc xây dựng cảng Matarbariở vùng bờ biển phía đông nam Bangladesh dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 1.2016, theo tờ Japan Times (Nhật Bản) ngày 5.7.
Dự án này sẽ đánh dấu bước lùi của Trung Quốc tại Nam Á, nơi mà nước này đang tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ kinh tế và quân sự. Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng đến từ khu vực này. Vùng vịnh Bengal cũng là nơi mà Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang đầu tư nhiều tỉ USD nhằm đảm bảo các nguồn lợi kinh tế trong các thập niên tới.
Việc Nhật Bản có được dự án này cũng là tin xấu đối với kế hoạch xây dựng một bến cảng cách đó 25 km của Trung Quốc. Ông Krispen Atkinson, nhà phân tích hàng hải thuộc hãng nghiên cứu thị trường IHS (Mỹ), cho rằng với các chi phí xây dựng các tuyến đường sắt và hệ thống kênh rạch tiếp cận bến cảng, thì cảng của Trung Quốc có thể không phải là lựa chọn được xem xét đến.
Chính quyền Bangladesh đã xác nhận dự án xây cảng Matarbari sẽ bắt đầu triển khai vào đầu năm 2016, trong khi đó các cuộc đàm phán về việc xây dựng cảng tại đảo Sonadia được Trung Quốc hỗ trợ cũng đang diễn ra.
Mực nước ở cảng Matarbari có độ sâu 18 m, đủ để các tàu chở container lớn nhất có thể neo đậu, theo ông Atkinson. Các vùng nước tại 2 bến cảng chính của Bangladesh là Chittagong và Mongla đều rất nông và tàu thuyền phải đợi thủy triều lên xuống để có thể ra vào cảng. Tàu lớn thì phải trung chuyển hàng qua các tàu nhỏ hơn để vào cảng. Trong khi đó, quãng đường quay đầu dài khiến chi phí tại cảng Chittagong cao gấp nhiều lần các cảng ở các nước lân cận.
Tàu bốc dỡ hàng tại cảng Chittagong, Bangladesh - Ảnh: Reuters
|
Trung Quốc đã công khai ủng hộ dự án xây cảng Sonadia từ năm 2012 và tưởng như thỏa thuận sẽ được ký kết khi Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina sang thăm Trung Quốc vào năm 2014. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Bangladesh, ông A.H.M. Mustafa Kamal cho biết chính phủ đã suy nghĩ lại về dự án Sonadia từ khi có kế hoạch xây cảng Matarbari, cách đó chỉ 25 km. Ông Kamal nói rằng một số nước, gồm Ấn Độ và Mỹ đang chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Akihiko Tanaka, chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh rằng cảng Matarbari có thể là một cửa ngõ thương mại quan trọng cho các nước châu Á và thế giới.
Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho phía Bangladesh khoản vay 600 tỉ yen (4,8 tỉ USD) cho việc xây dụng dự án này.
Các cảng biển tại Ấn Độ Dương rất có giá trị đối với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là khu vực nắm giữ hầu hết giao thương về dầu mỏ trên thế giới và cũng là cửa ngõ đi vào một số nước đông dân và thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Bình luận (0)