Hơn 20 thỏa thuận hợp tác được ký kết với giá trị thương mại và đầu tư nhiều tỉ USD là bằng chứng sinh động cho thấy chuyến thăm Bangladesh của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất thành công.
Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina (phái) đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
tại Sân bay quốc tế Shahjalal ở thủ đô Dhaka của Bangladesh - Ảnh: Reuters |
Nhưng còn quan trọng hơn thế là việc Ấn Độ và Bangladesh hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết để hiệp định hoán đổi lãnh thổ ký kết cách đây 41 năm chính thức có hiệu lực.
Hiệp định này xử lý vấn đề quốc tịch và nơi cư trú của hơn 50.000 dân ở trong 163 khu vực lãnh thổ như những ốc đảo biệt lập trong lãnh thổ của hai nước. Thực thi hiệp định có nghĩa là hai nước không còn bất đồng nào nữa về lãnh thổ. Có thể nói một thời kỳ quan hệ hợp tác mới đang được hai nước cùng nhau mở ra.
Đối với ông Modi, việc này không chỉ đơn thuần là một thành quả đối ngoại có ý nghĩa quan trọng mà còn là bước đi nhằm tới những suy tính và lợi ích chiến lược lâu dài. Kể từ khi lên cầm quyền ở Ấn Độ, ông Modi chủ trương dành ưu tiên chính sách cao nhất cho thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng và đẩy lùi ảnh hưởng của các đối tác ở bên ngoài khu vực. Dưới thời ông Modi, quan hệ của Ấn Độ với Sri Lanka đã được cải thiện rõ rệt. Bây giờ, Ấn Độ đang có triển vọng tương tự trong quan hệ với Bangladesh.
Hiệp định này giúp Ấn Độ yên ổn được ở thêm một phương và từ nay có thể tập trung nhiều hơn cho xử lý quan hệ với Trung Quốc và Pakistan. Cả hai nước hiện đều vẫn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ và sẽ còn tiếp tục như vậy trong thời gian tới. Bớt phải dàn trải, Ấn Độ tăng cường được cả thế lẫn lực trong quan hệ với hai nước láng giềng này.
Bình luận (0)