Tờ The Japan Times hôm 26.9 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hơn 40 máy bay của không quân nước này, bao gồm oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và máy bay tiếp dầu, ngày 25.9 đã bay qua eo biển Miyako để tham gia diễn tập ở tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh tuyên bố gọi đây là cuộc diễn tập “thường lệ” nhằm “thử nghiệm năng lực tác chiến biển xa”.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thân Kiến Khoa cho biết không quân Trung Quốc đã thực hiện các bài diễn tập do thám, cảnh báo sớm, tấn công các mục tiêu trên mặt biển và tiếp liệu trên không.
Ngoài ra, oanh tạc cơ Trung Quốc cũng đã tiến hành cái mà ông Thân gọi là “tuần tra thường lệ” trong Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông vào năm 2013.
Eo biển nói trên nằm giữa đảo Okinawa và quần đảo Miyako của Nhật. Theo thông lệ quốc tế, tàu chiến và máy bay Trung Quốc có quyền đi qua tuyến đường này để ra tây Thái Bình Dương, nhưng Nhật vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình mỗi khi lực lượng Trung Quốc xuất hiện.
Ngày 26.9, Kyodo News dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đã triển khai chiến đấu cơ theo dõi và sẵn sàng ứng phó ngay khi 8 máy bay đầu tiên của Trung Quốc bay qua eo Miyako. Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết máy bay Trung Quốc không xâm phạm không phận nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh triển khai lực lượng không quân hùng hậu như vậy qua eo Miyako. Ông khẳng định Tokyo sẽ vẫn “cảnh giác và theo dõi sát sao tình hình” đồng thời bác bỏ cái gọi là ADIZ của Trung Quốc, vốn bao trùm nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong ngày 26.9, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố trước quốc hội ông đang tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ không dung thứ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, Biển Đông hay bất cứ nơi nào khác, theo Bloomberg.
Giới quan sát cho biết chưa bao giờ Trung Quốc triển khai máy bay quy mô như ngày 25.9 để diễn tập tại tây Thái Bình Dương. Chuyên gia Lý Kiệt ở Bắc Kinh nói đây là động thái “rất hiếm hoi” và các cuộc tập trận trước đây của Trung Quốc ở khu vực này thường quy tụ không quá 20 máy bay. Bên cạnh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Nhật đang rất lo ngại và bắt đầu có động thái phản ứng sau những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada tuyên bố nước này có thể sẽ tham gia tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, tăng cường diễn tập chung với các nước trong khu vực và hỗ trợ nâng cao năng lực biển cho các đối tác.
Vì thế, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong nhận định với tờ South China Morning Post rằng đợt phô diễn lực lượng vừa qua của Bắc Kinh là nhằm “dằn mặt” Tokyo. “Đó là một lời cảnh báo, rằng nếu Nhật can thiệp vào Biển Đông thì Trung Quốc sẽ giương cơ bắp ngay cửa ngõ nước này”, ông Dong nói.
Bình luận (0)