Nhậu say, ai đưa 'em' về?: Đạp nhầm chân ga, đường về không lối

02/11/2018 08:39 GMT+7

Xưa uống rượu là thú vui tao nhã, để đợi hoa nở, chờ trăng lên. Còn giờ, uống để chờ… mai uống tiếp. Nhưng “ngày mai” ấy có khi không đến vì nhiều người nhậu về là vào luôn bệnh viện, thành phế nhân, về với… tổ tiên.

Ma đưa lối, men... đạp nhầm chân ga

Đường về “sau nhậu” của Đạt, phó phòng đào tạo của một trường cao đẳng, thật “ly kỳ”. Đạt kể: Bữa đó một phần vì mưa to, một phần vì em chủ quán cứ sà vào bàn rót rượu nên Đạt và ba người bạn phấn khích “chơi” tới… lít rưỡi mới chịu về.

Thời của Đạt, xe đạp là phương tiện phổ biến, ba chàng liêu xiêu đạp được một đoạn thì trời tối hẳn. Đường liên thôn sau mưa trơn như mỡ. Ba “tửu nhân” kẻ trước người sau đều ngã lăn xuống ruộng, mặt mày mình mẩy dính đầy bùn. Họ dắt xe khật khưởng đi nhưng té lên té xuống. Lúc thì xe đè người, lúc thì người đè xe. Không lê chân nổi nữa, cả ba nằm nghe côn trùng... tấu nhạc.

11 giờ khuya, một người đi tháo nước ruộng phát hiện, liền quay về gọi người nhà ra đồng dìu “nạn nhân” về. Vụ say rượu bữa đó làm rúng động cả xóm. Hai người kia là “quần chúng” nên đỡ bị tai tiếng. Riêng Đạt là người “nhà nước”, có chức tước hẳn hoi, lại “nhúng” bùn cái cặp tài liệu quan trọng nên bị nhà trường kỷ luật khiển trách. Sinh viên độ thơ chọc thầy Đạt: “Thầy nằm trên lúa/ Tay nắm chặt bông/ Lúa thơm mùi rượu/ Hồn bay giữa đồng”.

Chuyện của anh Lộc thì không ly kỳ nhưng… khủng khiếp. Sau một chầu bia rượu đậm đà mừng lễ 30.4, anh lái ô tô chở vợ về nhà. Trên đường thì không sao nhưng về tới cổng nhà thì xảy ra sự cố. Thay vì đạp chân thắng anh lại đạp nhầm chân ga. Chiếc xe lao lên thềm, húc đổ cửa sắt.

Mọi hôm, vào giờ đó mẹ anh thường ngồi trước thềm chơi với mấy đứa nhỏ con anh. May sao bữa đó bà nằm nghỉ trên lầu. Hai đứa con về ngoại. “Nếu không thì…”, anh le lưỡi, rụt cổ, bỏ lửng câu nói, mặt xanh tái như chuyện vừa mới xảy ra.

Lộc thừa nhận nếu không có “cồn” trong người thì không thể nhầm giữa ga với thắng. Và anh hứa, hễ “hậu nhậu” là không điều khiển xe. Năm nào tới lễ này anh cũng tự kể chuyện trên để khắc sâu bài học kinh nghiệm. Vợ anh chọc: “Người ta thì húc đổ cổng sắt. Còn anh húc đổ… cửa sắt”. 

Cái tết hóa đám tang

Bầu chọn
Khi nhậu say, bạn thường chọn cách gì để mình và bạn nhậu đi về?

Tín quê Quảng Ngãi, là công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương. Năm ngoái, mới đầu tháng chạp, Tín đã nhắn tin cho vợ: "Anh khỏe. Em và con yên tâm. 27 tết anh lên xe. 28 tết tới nhà, 29 tết mình tất niên nhé. Nhớ mua mấy chậu bông vạn thọ về chưng trước đi. Tết này ấm túi em à. Vừa lương, vừa thưởng, vừa tăng ca, anh sẽ mang về cho em 35 triệu đồng". Vợ anh mừng lắm, đi khoe khắp xóm.

Nhưng ngày đoàn tụ đầu xuân ấy đã không đến. Tín đã ra đi vĩnh viễn vì một tai nạn do chính anh và bia rượu gây ra, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con gái mới 4 tuổi.

Chiều 25 tết, Tín dự liên hoan chia tay cùng nhóm bạn công nhân đến gần 0 giờ. Quá say, trên đường về nhà trọ, anh chạy xe máy bạt mạng, tông thẳng vào trụ điện. Xe gãy đôi. Anh văng xa hơn 10 mét.

Nhận tin từ Công an Bình Dương, vợ anh ngất xỉu. Cha anh vào bệnh viện nhận xác. Ông bàng hoàng khi thấy khuôn mặt con mình biến dạng đến mức không thể nhận ra. Vợ Tín mềm nhũn, ngồi dựa tường, mắt đỏ hoe. Thật đau lòng! Hoa tết Tín dặn mua trở thành hoa tang. Đó là cái Tết đẫm nước mắt với người thân và bạn bè của Tín.

Bản thân tác giả bài này hay nhậu. Đơn giản vì những người bạn của tôi không ai không biết nhậu. “Triết lý” nhậu của tôi là: Uống có chừng, dừng đúng lúc. Nhưng chốn tửu trường mà, vì vui, vì nể bạn, vì sĩ diện, vì háo thắng, con người ta dễ man man, dễ “lạc trôi”.

Không ít lần sa đà, tôi đã bước qua “triết lý” nhậu của mình để làm con "ma men" vất vưởng trên đường về rủi nhiều may ít. Và tôi đã gặp may để giờ đây ngồi viết bài này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.