Đây là hoạt động thể thao quốc phòng đào tạo vận động viên nhảy dù từ năm 2007 của CLB Hàng không phía Nam.
Trên đường băng, 20 túi dù đã được các sĩ quan quân chủng kiểm tra và xếp ngay ngắn. Mọi người có 1 giờ để chuẩn bị mọi thứ trước khi lên máy bay. Tất cả học viên đều được đo huyết áp, nhịp tim… và khởi động tập lại động tác giật dù khi rời khỏi máy bay. 5 giờ 45 phút, máy bay cất cánh đưa mọi người đến bãi thả dù ở sân bay Biên Hòa.
|
Anh Nguyễn Đức Quang, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cũng theo lên máy bay để động viên con mình là Nguyễn Quang Thành (14 tuổi, học sinh lớp 8 trường PTCS Ngô Tất Tố). Đây là chuyến nhảy dù thứ hai của Thành. Trên máy bay, không khí càng căng hơn, không ai nói với nhau lời nào. Trong tiếng động cơ ồn ào, gương mặt mọi người đanh lại, yên lặng và chờ đợi. Chốc chốc, hai sĩ quan chịu trách nhiệm thả dù đi kiểm tra sức khỏe cũng như thiết bị trên người học viên. Các anh vỗ vai động viên một vài người có vẻ sợ hãi và làm những trò vui để phá tan sự căng thẳng. Vỗ nhẹ vào vai con, anh Quang động viên: “Dũng cảm lên con nhé, hãy tự tin lao ra khỏi máy bay. Hẹn gặp nhau ở dưới đất trong vài phút nữa”.
Phi công chọn đúng hướng gió thuận lợi giúp đẩy dù về tâm liền ra hiệu ngay cho sĩ quan thả dù. Từng tốp 5 học viên tiến ra cửa. Một vài người hét lớn “cố lên”. Sĩ quan thả dù lần lượt vỗ nhẹ vào vai, thế là nhảy. 3 giây sau thì “bụp”, chiếc dù bật ra, người bị dù giật ngược lên trên nhưng sau vài giây định thần, mọi người sẽ tận hưởng cảm giác bay lượn trên không và thưởng ngoạn cảnh đẹp bên dưới. Vừa tiếp đất sau khi lơ lửng ở độ cao 1.000m, mọi người ôm nhau reo hò sung sướng: “Quá đã, mình đã chinh phục được bầu trời”.
|
Thời gian học nhảy dù là 2 tháng vào chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Khai giảng vào đầu tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Học phí trọn gói 4 triệu đồng. Liên hệ văn phòng CLB Hàng không phía Nam, 28 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM. |
Nhảy dù là môn thể thao cảm giác mạnh nhưng không mạo hiểm. Trung úy Đỗ Duy Quý, giáo viên môn dù, cho biết người nhảy dù luôn có hai dù: dù chính (loại dù D6, diện tích 83m2) nằm phía sau lưng, dù khẩn cấp (50m2) ở trước bụng. Trước khi nhảy, học viên đã móc dây dù mồi vào máy bay. Khi nhảy ra khỏi cửa thì dù mồi (khoảng 1m2) được mở ra ngay lập tức, khi rơi tự do được 3 giây thì người nhảy dù sẽ giật khóa dù chính và dù mồi sẽ lôi dù chính mở ra. Sau 3 giây, nếu dù chính có sự cố thì ở giây thứ 5 hoặc thứ 6 tiếp theo, học viên phải giật ngay dù khẩn cấp, 15 giây nếu không có dù là chạm đất. Tuy nhiên, trong trường hợp học viên bị ngất hoặc mất khả năng giật dù vì lý do nào đó thì ở giây thứ 4, máy giật dù tự động được cài bên hông ba lô dù chính sẽ hoạt động giúp dù chính mở ra.
Tại CLB Hàng không phía Nam, 1/3 vận động viên nhảy dù là nữ giới. Ngày 28.10 sẽ có một đợt nhảy diễn ra 6 ngày. Lần đầu tiên có chuyến nhảy dù toàn là nữ gồm 20 người là học viên khóa 9. “Chơi môn này rất dễ nghiệnvì nó quá tuyệt vời. Nhảy dù rèn luyện tính dũng cảm, thể lực, tinh thần đồng đội và tính cẩn thận tỉ mỉ. Bạn nên thử một lần trong đời”, Thành chia sẻ.
Tuyết Vân
Bình luận (0)