Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, thì phòng chống suy dinh dưỡng (kể cả dạng nhẹ cân theo tháng tuổi và kể cả thấp còi chiều cao theo tuổi) là biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu để chăm lo cho giống nòi.
Về mặt này, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. WHO và UNICEF đánh giá Việt Nam là quốc gia duy nhất có tốc độ giảm suy dinh dưỡng gần đáp ứng mục tiêu thiên niên kỷ đến năm 2015. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi (nhẹ cân) đã giảm từ 42,6% năm 1996 xuống còn 33,8% năm 2000 và 26,6% năm 2004, trong đó, Đông Nam Bộ còn 19,9%, đồng bằng sông Hồng còn 22,8%, đồng bằng sông Cửu Long còn 25,1%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi (thấp còi) giảm từ 55,3% năm 1996 xuống còn 36,5% năm 2000 và còn khoảng 30,7% năm 2004...
Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của Việt Nam vẫn thuộc loại cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Về số lượng tuyệt đối, ở nước ta vẫn còn tới 1.867.000 trẻ em bị nhẹ cân và 2.155.000 trẻ em bị thấp còi. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em nhẹ cân ở Tây Nguyên vẫn còn tới 35,8%, ở Tây Bắc còn 32,8%, ở Bắc Trung Bộ còn 31,7%. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ nghèo của những vùng này còn cao; việc chăm sóc ở nhiều hộ còn gặp khó khăn, nhất là chăm sóc về ăn uống, về y tế...
Bởi vậy, không thể thỏa mãn với kết quả đã đạt được, dù kết quả đó được quốc tế đánh giá cao. Việc cải thiện chất lượng giống nòi cần đặt thành một chiến lược với những mục tiêu vượt trội, những giải pháp đột phá. Nhà nước phải dành một nguồn lực thỏa đáng và thu hút các nhà khoa học, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn dân tham gia.
Ngọc Minh
Bình luận (0)