Từ cửa ngõ đến trung tâm TP.Hà Nội hiện tồn tại những biển quảng cáo rách nát, hoen gỉ, trơ “xương” khiến bộ mặt Thủ đô trở nên nhếch nhác.
|
Ấn tượng đầu tiên với nhiều du khách khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài là hai hàng biển quảng cáo cỡ lớn khá kiên cố, san sát dọc từ đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài dẫn về thành phố. Do tiếp xúc trực tiếp thời tiết nắng mưa, lại không được nâng cấp chỉnh trang, một số biển quảng cáo xuống cấp trầm trọng, chữ rơi, chữ rụng, tập trung nhiều nhất trên địa bàn huyện Mê Linh.
Cách đó không xa, đoạn gần KCN Bắc Thăng Long, tấm biển quảng cáo tả tơi rách như “xơ mướp” chỉ còn trơ bộ khung, không còn nhận ra trước đây quảng cáo sản phẩm gì. Đáng chú ý, những tấm biển quảng cáo được đặt trên các cánh đồng, gần đường cao tốc, nơi có lưu lượng người đi lại rất đông, chỉ cần một cơn gió mạnh khung này có thể đổ gục bất cứ lúc nào.
Trên đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng có tình trạng biển quảng cáo nhếch nhác tương tự. Biển quảng cáo một hãng sữa trên địa phận huyện Thường Tín cũng bị gió đánh rách toạc. Ngay đằng sau đó là một cột quảng cáo đã bay phần khung sắt, còn trơ cột. Chị Huệ (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) cho biết: “Biển quảng cáo thường cắm giữa cánh đồng, rất nguy hiểm. Mỗi khi đi qua đây, lúc nào chúng tôi cũng lo ngay ngáy, chỉ sợ rơi vào đầu”.
Không riêng ngoại thành, dọc các con phố ở nội thành Hà Nội, nhất là các điểm giao cắt ngã ba, ngã tư, nơi có cầu vượt vắt qua như Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Kim Liên, Xã Đàn, Trường Chinh - Giải Phóng, Bạch Mai - Đại Cổ Việt…, biển quảng cáo, pa nô trăm hoa đua nở, mọc san sát trên các nóc nhà cao tầng, chẳng theo một quy chuẩn nào. Không chỉ gây mất mỹ quan, những tấm biển này còn có nguy cơ mất an toàn cho người đi đường trong mùa mưa bão.
Theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, tính đến tháng 5.2014, Sở đã kiểm tra, tháo dỡ hàng vạn băng rôn, phướn, biển quảng cáo vi phạm; lập biên bản và xử phạt 31 trường hợp với tổng số tiền gần 240 triệu đồng. Đối với biển quảng cáo tấm lớn cũng đã xử lý và tháo dỡ 78 biển sai phạm, tập trung trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, nơi có tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài đi qua.
Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội Tô Văn Động, thừa nhận, những sai phạm kể trên đã tồn tại và tái diễn trong nhiều năm. “Sự lộn xộn trong hoạt động quảng cáo ngoài trời đang tạo ra một thứ "rác" đô thị cho Hà Nội mà ai nhìn vào đó cũng khó chịu. Chúng tôi nhắc nhở, phê bình liên tục, thậm chí xử phạt hành chính, song các DN quảng cáo vẫn cứ chây ì, không thực hiện. Để tình trạng này tồn tại cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ông Động nói.
Cũng theo ông Động, hiện Sở đang xây dựng lại quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, nhằm siết chặt hơn hoạt động quảng cáo hiện nay, dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành. Ngoài việc thống kê các tuyến đường cao tốc đã đưa vào sử dụng nhưng chưa xây dựng quy hoạch, dự thảo sẽ tiếp tục rà soát lại các tuyến đường đã quy hoạch từ nhiều năm trước đây, như Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 5, quốc lộ 1A, Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“Tất cả đều được xác định tọa độ, mã hóa vị trí, đảm bảo quản lý thuận tiện, đồng thời quy định cụ thể kích thước mặt biển quảng cáo, chất liệu, kiểu dáng, chiều cao bảng, cùng khoảng cách chuẩn xác về không gian…, hạn chế tối đa bất cập, rủi ro và các yếu tố không an toàn có thể xảy ra”, ông Động nói.
Thu Hằng
>> Dẹp biển quảng cáo tiếng nước ngoài sai quy định
>> Biển quảng cáo gây họa cho nhà dân
>> Dông lớn, sập biển quảng cáo, 3 người bị thương nặng
Bình luận (0)