Hiểm nguy rình rập
Nằm trong danh sách công trình cấp độ D, khu nhà G6A nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, phường Thành Công (Q.Ba Đình, Hà Nội) được đánh giá là khu tập thể nguy hiểm nhất Hà Nội. Được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, gồm 67 dãy nhà, đến nay hầu hết các khu nhà tại đây đều đã dần xuống cấp nghiêm trọng. Tại khu nhà G6A Thành Công bị tách ra làm đôi thành hình chữ “V” do hai đơn nguyên của tòa nhà 5 tầng này đã nghiêng hẳn về hai phía. Một người dân sống tại đây cho biết, hai đơn nguyên của tòa nhà G6A đã nghiêng từ bao năm nay, bên trong ẩm thấp, xập xệ và luôn trong tình trạng có thể sập bất cứ lúc nào.
Những chuồng cọp được người dân cơi nới ở khu tập thể Thành Công. |
nguyệt quỳnh |
Mặc dù tòa nhà tập thể này đã không còn bảo đảm an toàn và đã có thông báo di dời đối với các hộ dân tại đơn nguyên 1 và 2, nhưng nhiều hộ dân vì nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn tiếp tục cơi nới, sửa sang khu nhà ở; các hàng quán dưới khu nhà vẫn hoạt động bất chấp hiểm nguy luôn rình rập. Người dân tại đây cho biết, tuy nhà nhỏ và xuống cấp rất nguy hiểm nhưng gia đình chưa muốn rời đi vì không chắc đến nơi mới sẽ có công việc cũng như điều kiện sinh sống tốt hơn.
Không chỉ có mạng lưới dây điện chằng chịt, trần nhà có những vết nứt lớn mà còn chính từ việc cơi nới diện tích căn hộ cũng làm gia tăng mức độ nguy hiểm đối với những khu tập thể cũ này. Những chuồng cọp được cơi nới để làm sân phơi quần áo, trồng cây, tăng diện tích sinh hoạt,… của người dân gây ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của khu nhà.
Khu nhà G6A Thành Công (Ba Đình) được mệnh danh là “khu nhà tập thể nguy hiểm nhất” Hà Nội. |
nguyệt quỳnh |
Cũng tương tự như khu tập thể G6A Thành Công, khu nhà A thuộc tập thể Ngọc Khánh (Q.Ba Đình) cũng đã xuống cấp trầm trọng và nằm trong danh sách yêu cầu di dời. Một số người dân vẫn bám trụ tại khu tập thể vì cho rằng, tòa nhà vẫn ổn định, không đến mức nguy hiểm. Dù đã rất nhiều lần phường tới vận động di dời, họp bàn chính sách nhưng rồi chưa thấy có gì thay đổi.
Cô Quý, một người dân sống tại khu B tập thể Ngọc Khánh, cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây từ năm 1985, trước có 3 thế hệ sinh sống nhưng giờ do công việc của con cái nên hiện tại còn 2 thế hệ. Có thông báo về việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể nhưng gia đình tôi vẫn quyết định sửa sang, cơi nới để tăng diện tích sinh hoạt. Nhà rộng hơn 40 m2, thoáng mát và vẫn sử dụng tốt nên gia đình tôi không đồng ý. Kế hoạch cải tạo hay di dời mới chỉ dừng lại ở điều tra xã hội học thôi, việc giải quyết chậm lắm, chắc phải vài năm nữa.”
Biển cảnh báo chung cư nguy hiểm được đặt tại các lối cầu thang của chung cư. (Khu tập thể Ngọc Khánh) |
nguyệt quỳnh |
Tại khu nhà B, tình trạng xuống cấp, xập xệ ở khắp các tầng, các góc. Nền nhà vương vãi các mảng vụn tường bị bong tróc, rêu ẩm thấp cùng các vết nứt dài, trên tường loang lổ các vết chắp vá. “Bên khu A còn xuống cấp nghiêm trọng hơn, bên đấy cấp độ D nhưng vẫn còn nhà ở lại. Người ta thấy chưa xây hay phá dỡ nên vẫn ở đấy, cũng có nhiều hộ thì chuyển đi rồi”, cô Quý nói thêm.
Tòa C8 khu tập thể Giảng Võ tại Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội) đã được liệt vào cấp D, đang chờ ngày tháo dỡ. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chủ đầu tư cũng như chính quyền nên hiện tại vẫn còn nhiều hộ dân vẫn sinh sống bên trong khu tập thể ấy. Để đảm bảo an toàn cho những người dân còn ở lại, chính quyền đã cho xây dựng hệ thống khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống đổ sập cầu thang.
Trên các trần nhà bong tróc vữa, lộ cả những khung sắt rỉ sét bên trong. (Khu tập thể Ngọc Khánh) |
nguyệt quỳnh |
Chậm di dời, tái định cư
Một cư dân ở đây cho biết, Sở Xây dựng có thông báo yêu cầu người dân di dời đi rồi nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào nào đứng lên giải quyết, đến nay mọi việc vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Theo Kế hoạch 335 của UBND TP.Hà Nội về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, đợt 1 thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D. Trong đó Q.Ba Đình có Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Q.Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.
Dù, thành phố yêu cầu UBND Q.Ba Đình, UBND Q.Đống Đa có trách nhiệm di dời dân khỏi các tòa nhà này trong quý 1/2022, nhưng vẫn còn rất nhiều hộ dân đang sinh sống.
Thống kê trên địa bàn trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960 - 1994 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Việc để người dân tiếp tục sống trong các khu tập thể nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng như vậy là vô cùng nguy hiểm.
Nhiều căn hộ trong tòa nhà G6A xuống cấp nghiêm trọng |
nguyệt quỳnh |
Bình luận