Đó là buổi trưa thứ ba 15-9. Không phải cuối tuần cũng không phải ngày lễ nên đảo khỉ Cần Giờ (TP.HCM) khá vắng. Ngay cổng bán vé, một cô gái níu chặt tay bạn trai lo ngại: “Sao vắng hoe vậy anh?”. Người bạn trai xem ra có vẻ vui tính chìa tay về phía tôi: “Có anh này làm bạn, sợ gì!”. Thú thật nghe vậy tôi cũng bớt lo cho mình vì nghe nói một mình đối diện với đám khỉ nơi đây cũng... “ớn sườn” lắm.
Lời cảnh báo... nhãn tiền
Ở bãi giữ xe, Khải - nhân viên bảo vệ khu du lịch sinh thái lâm viên Cần Giờ - khi nhìn thấy túi trái cây trên tay cô gái đã cảnh báo: “Chị đừng mang vô đây mấy thứ này, đám khỉ giật đó!”. Anh cho biết thêm: những thứ như mũ nón, túi xách, điện thoại, máy ảnh... màu mè, xanh đỏ tím vàng... nhìn chung có vẻ bắt mắt đều có thể thành mục tiêu của những chú khỉ tinh nghịch.
Ngay cổng vào khu du lịch, một bảng nội quy gồm năm điều mà chỉ cần đọc qua là du khách có thể “nóng trong người” và mường tượng một chuyến phiêu lưu cảm giác mạnh. Nào là “vì sự an toàn xin quý khách quản lý tốt trẻ em và đừng để các em nhỏ cầm thức ăn hay đồ vật trên tay”, “xin quý khách vui lòng quản lý tốt máy ảnh, máy quay phim và đồ vật quý giá”... Tất nhiên là “khi cần sự giúp đỡ, quý khách vui lòng liên hệ với nhân viên bảo vệ trong khu vực”. Tiến thêm vài bước, chúng tôi lại thấy một tấm bảng khác đề nghị khách vui lòng không đem thức ăn vào khu lâm viên (đảo khỉ) để đảm bảo an toàn, kèm theo hình ảnh những thứ hoa quả bị “gạch chéo”.
Tuy nhiên, khi vừa qua cầu và đặt chân vào “lãnh địa” khỉ, đập ngay vào mắt du khách là một điểm bán vé tham quan Rừng Sác bằng canô và kiêm luôn quầy bán... thức ăn cho khỉ. Vừa hỏi mua hai gói bắp sấy với giá 2.000 đồng/gói dù chưa biết sẽ cho khỉ ăn thế nào, cô nhân viên trực quầy đã nhanh nhảu cho biết: “Cầm là nó giật đấy, để chú B. (một nhân viên chăm sóc) cầm và cho nó ăn”. Lời cảnh báo có tác dụng ngay: hai người bạn đi cùng tôi vừa nghe là ngừng ngay ý định mua bắp sấy để tự tay chiêu đãi khỉ.
Những cảnh giác không thừa khi vừa bước qua cổng, nhìn ra xung quanh ôi thôi là cả trăm cư dân khỉ thoắt ẩn thoắt hiện sau những gốc đước và ngay trên lối đi lát bêtông dẫn vào rừng như nắn gân du khách. Chúng tôi vừa bước ra khỏi quầy, hàng chục con khỉ đuôi dài - khỉ cái, khỉ đực, khỉ con... nhìn chung là đủ cả làng nhà khỉ đã thoăn thoắt lao tới. Vài con chuyền cành, đánh đu trên những nhánh đước, miệng kêu “khẹc, khẹc” như chực nhảy xổ vào người. Ông B. nhét vội hai gói bắp sấy vào túi quần và không quên căn dặn: “Cứ đi tự nhiên nhưng giữ kỹ đồ đạc nhé”.
|
Siêu trộm cướp
Ông B. vừa dứt lời thì “á” - tiếng kêu thảng thốt của một cô gái. Thì ra một chú khỉ đang vô thế “bích hổ du tường”: một tay túm áo một tay nắm túi xách và đu toòng teng phía sau, đầu dúi vào ngang thắt lưng cô gái. Những người bạn đi cùng xông tới giải thoát cô gái, chú khỉ mới chịu rời tay và trèo tót lên cây nhe răng... cười. “Chảy máu rồi, về có cần phải chích ngừa không nhỉ?”- một cô gái sau khi xem vết thương ở lưng bạn hỏi đầy vẻ lo lắng. Sau một phen hốt hoảng và định thần lại, nhóm bạn bốn người này không dám tách rời nhau ra nữa. Những đồ vật xanh xanh đỏ đỏ được các cô nhanh chóng rút kinh nghiệm ngay lập tức: cẩn thận cho vào balô, túi xách.
Ông B. đưa chúng tôi vào chân cầu dẫn sang khu nuôi cá sấu bán hoang dã. Trên chiếc cầu bêtông dài hơn chục mét lố nhố cư dân khỉ với đủ trò khỉ như chọc tức du khách: con đánh đu, con nằm ngửa bụng lim dim mắt trên tay vịn... Nhiều nhất là những nhóm khỉ tụm năm tụm ba vạch lông “bắt chí” cho nhau ngay trên mặt cầu.
Ông B. cất giọng hú ba tiếng... Ngay lập tức “rào, rào” khỉ mẹ khỉ con từ bốn phía đổ về, con hối hả chạy bộ trên đất, con vun vút chuyền cành. Có nàng khỉ mẹ với đứa con nhỏ xíu chưa thôi bú bám dính dưới bụng cũng đua nước rút, dứt khoát không chịu “thua chị kém em”. Chỉ một loáng, xung quanh chân ông B. là hàng trăm “đệ tử Tôn Ngộ Không” nhảy nhót, khua chân múa tay như đi “hầu quyền”.
Ông B. rút một gói bắp sấy ra khỏi túi giơ thẳng theo chiều ngang rồi xé túi xổ ra những hạt bắp. Cả một cảnh nhốn nháo, tranh giành thức ăn tưng bừng khiến nhiều du khách nhăn mặt. Có chú khỉ giành được “chiến lợi phẩm” ngay lập tức bỏ vào miệng cất giữ cho chắc ăn rồi quay sang giành tiếp. Các chàng, nàng khỉ tranh giành nhau, la hét chí chóe vang động cả khu rừng đủ khiến những du khách yếu bóng vía xanh mặt...
Vui nhưng...
Nửa ngày lang thang ở đảo khỉ, chúng tôi dễ dàng nhận ra một thực tế: hầu như nhóm khách nào cũng đôi lần giật mình hoặc hốt hoảng với những trò mà đám khỉ gây ra. Nhẹ là những cú đu bám của khỉ từ dưới chân hoặc bất thần phi thân từ trên cây xuống. Nặng hơn một chút là những pha giật nón, giật túi xách, quà bánh hay bất cứ thứ gì khách cầm trên tay. Chiều 15-9, một nhóm khách sáu người từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ghé tham quan ở đây đã có hai người bị giật nón và một người bị khỉ nhảy xổ vào cào rướm máu.
Ông B. không lấy đó làm phiền và kể rằng đó chỉ là chuyện thường ngày. Theo ông, hiện đảo khỉ có hơn 1.000 con, chủ yếu là khỉ đuôi dài được nuôi thả tự nhiên. Riêng khu vực đón khách tham quan luôn thường trực một đàn khỉ lên đến hàng trăm con. Nhiều con khỉ khi giật được thứ gì trên tay khách là chạy biến vào rừng. “Có con khôn lắm, nếu đưa thức ăn ra trao đổi thì có thể lấy đồ lại được” - ông B. cho biết. Quả nhiên, chiếc nón của một phụ nữ trong đoàn khách đến từ Cái Bè đã được thu hồi sau khi nhờ ông B. ném cho chú khỉ một gói bắp sấy.
Một du khách cho rằng việc cho khỉ ăn lâu ngày đã tạo cho đàn khỉ một thói quen không tốt trước du khách, tự động bám theo khách đòi ăn. Nhiều chú khỉ “thô bạo” sẵn sàng nhảy bổ vào du khách giật bất cứ thứ gì trên người du khách. Nhiều người đến tham quan đảo khỉ này còn kể với chúng tôi rằng họ từng bị khỉ giật mất những tài sản có giá trị cao như mắt kính, điện thoại, máy ảnh... Chưa kể việc bán thức ăn để khách cho khỉ ăn là rất nguy hiểm vì du khách thường chưa có kinh nghiệm đối phó với những trò khỉ của lũ khỉ háu đói. Chuyện du khách bị tấn công, bị khỉ giật đồ ăn ngay trên tay không lạ và thực tế nhiều du khách đã bị thương tích vì lý do này.
Chia tay đảo khỉ với những gì mắt thấy tai nghe, chúng tôi trao đổi với các nhân viên bảo vệ, nhân viên chăm sóc khỉ nơi đây. Câu trả lời chúng tôi nhận được là những nụ cười... trừ. “Chẳng có gì đâu, vui thôi mà” - một nhân viên bảo.
Đa số du khách thích thú khi tham quan đảo khỉ Cần Giờ (TP.HCM) do chứng kiến những chú khỉ sống, sinh hoạt và làm trò khỉ trong một không gian mở và tự nhiên. |
Theo Nguyễn Triều / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)