'Nhích từng chút' về quê

02/02/2016 05:36 GMT+7

Hôm qua 1.2, giao thông trên các tuyến đường ra vào sân bay, bến xe, nhà ga tại TP.HCM ùn ứ do bắt đầu cao điểm người dân về quê ăn tết.

Hôm qua 1.2, giao thông trên các tuyến đường ra vào sân bay, bến xe, nhà ga tại TP.HCM ùn ứ do bắt đầu cao điểm người dân về quê ăn tết.

Phương tiện giao thông nhích từng chút trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM)
 - Ảnh: Đình Mười
Phương tiện giao thông nhích từng chút trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Đình Mười
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hơn 9 giờ sáng, đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả hướng về giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Trường Sơn (Q.Tân Bình), hàng ngàn phương tiện chen nhau nhích từng chút. Đường Trường Sơn hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) dày đặc phương tiện lưu thông, dù không ùn tắc nhưng xe di chuyển rất chậm. Giao thông trên đường Phạm Văn Đồng đoạn từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) hướng về sân bay TSN cũng ken đặc xe cộ di chuyển.
Trong khi đó, tại khu vực bên trong nhà ga sân bay TSN, lượng khách tập trung tăng cao, đông như hội. Tại cửa ga đến quốc nội có hàng nghìn người tập trung chờ đón người thân. Ở khu vực ga đi, khách ôm hành lý ngồi la liệt trên các băng ghế chờ… Tuy nhiên, khu vực làm thủ tục và soi chiếu hành lý không xảy ra lộn xộn nhờ sự hướng dẫn tận tình của lực lượng chức năng; giao thông trước ga quốc nội khá thông thoáng do nhiều người đi ô tô đến sân bay tuân thủ quy định không dừng xe quá 3 phút.
Tại sảnh nhà ga quốc tế, lượng người còn đông hơn khi hàng nghìn người từ các quận, huyện của TP.HCM và tỉnh lân cận tập trung dọc cổng ga đến để chờ đón người thân từ nước ngoài, khung cảnh rất lộn xộn. Lực lượng bảo vệ sân bay liên tục hướng dẫn người đón thân nhân và điều tiết giao thông trước khu vực ga. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Thanh Niên, nhiều xe ô tô vẫn đậu hơn 20 phút, quá giờ quy định.
Tại Bến xe Miền Đông sáng cùng ngày, lượng khách ôm hành lý tập trung về bến rất đông, chủ yếu ngồi chờ đến giờ lên xe khởi hành về quê. Đại diện nhà xe Kumho Saco cho biết vé xe cố định về Phan Thiết, Bà Rịa-Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột… đã hết. Tuy nhiên, nếu có nhiều khách mua vé các ngày cận tết, nhà xe sẽ điều xe tăng cường tiếp tục phục vụ. Hầu hết các xe thương hiệu như Cúc Tùng (Nha Trang), Thiên Trang (Quảng Ngãi), Phượng Hoàng (Hà Nội) có xe đi từ 24 - 29 tháng chạp cũng thông báo đã hết vé. Một nhân viên Hãng xe Phương Trang tại bến cho biết vé về các tỉnh đã bán hết nhiều ngày nay, riêng ngày 29 tháng chạp còn vé về Đà Nẵng (giá 430.000 đồng/vé nhưng số lượng hạn chế). Phía bên ngoài, các hướng vào Bến xe Miền Đông như QL13, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh… lượng xe lưu thông nườm nượp nhưng không xảy ra ùn ứ.
Tại ga Sài Gòn sáng cùng ngày, hàng nghìn người vẫn tiếp tục đổ về ga đi tàu, tăng gấp đôi ngày thường. Trong phòng chờ, khách đi tàu ôm hành lý ngồi kín ghế. Ở sảnh trước cổng lên tàu, nhiều người trải chiếu ngay dưới sàn tranh thủ chợp mắt chờ tàu vì đến quá sớm làm thủ tục nên phải đợi lâu. Lực lượng thanh niên tình nguyện luôn túc trực tại các quầy vé tàu tích cực giúp khách kiểm tra vé và hướng dẫn khách lên tàu. Các quán nước trong khu vực sân ga cũng đầy ắp khách uống nước, đợi tàu. Đặc biệt, đội cò vé chợ đen gần chục người đã di chuyển vào thẳng khu vực nhà ga hoạt động một cách công khai, luôn đảo qua đảo lại các khu vực mời khách mua vé. Thế nhưng, vẫn không thấy lực lượng chức năng nhà ga thăm hỏi.
Nhiều công nhân trình báo bị lừa vé máy bay
Ngày 1.2, nhiều công nhân làm việc trên địa bàn Q.12, TP.HCM cho biết đang nhờ công an truy tìm người lừa bán vé máy bay giả, lộ trình không chính xác, vé đã hủy.
Theo các công nhân, trước đó họ mua vé máy bay từ một người tên Hoàng Quốc Việt (27 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên, tạm trú Q.12). Chị Đông (28 tuổi) cho biết đầu tháng 10.2015 được một người bạn cùng công ty giới thiệu Việt để mua vé máy bay. Chị Đông liên hệ Việt và người này xưng là chủ của một đại lý bán vé máy bay, có văn phòng giao dịch. Tuy nhiên, khi chị Đông gợi ý muốn đến văn phòng giao dịch để đặt vé thì Việt từ chối và đề nghị đến quán cà phê để nói chuyện. Sau khi thống nhất lộ trình, giờ bay, Việt đưa chị Đông một phiếu đặt chỗ cho chuyến bay TP.HCM - Thanh Hóa. Tổng giá tiền cho 5 ghế (bao gồm khứ hồi) dịp tết lên đến 23,5 triệu đồng. Lý do tin tưởng giao tiền, theo chị Đông vì trước đó Việt đặt thành công cho người bạn về quê với giá rẻ. Việt dặn trước giờ bay 48 giờ sẽ được anh ta giao vé chính thức. Ngày 18.1, chị Đông nhờ người quen lên trang chủ của hãng máy bay kiểm tra lịch trình bay, mới biết vé không tồn tại. Đến nay, các nạn nhân vẫn chưa liên lạc được với người tên Việt.
Còn chị Trần Thị Loan (28 tuổi) mua 3 vé chặng TP.HCM - Vinh - TP.HCM nhưng kiểm tra lại thì phát hiện lộ trình trên vé là TP.HCM - Buôn Ma Thuột - TP.HCM và vé đã sử dụng rồi. Tương tự, chị Hồng (28 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng bị lừa mất 7,5 triệu đồng. Đây là số tiền dành dụm, tăng ca gần cả năm của nạn nhân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.