Nhiễm giun, coi chừng nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác

03/06/2015 07:00 GMT+7

Nhiều dấu hiệu của nhiễm giun như khó tiêu, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy... khiến cho nhiều người nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác và không có biện pháp chữa trị kịp thời.

Nhiều dấu hiệu của nhiễm giun như khó tiêu, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy... khiến cho nhiều người nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác và không có biện pháp chữa trị kịp thời.

 PGS-TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư kêu gọi mọi người tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình - Ảnh: Minh Cường
Đừng nhầm nhiễm giun với các bệnh khác
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư kêu gọi mọi người tẩy giun vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Tẩy giun cộng đồng 6116 nhằm khuyến khích mọi người tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần vào ngày 6.1 và 1.6 hằng năm. Trong đợt triển khai ngày 6.1, hơn 11.000 phụ huynh đã được tham gia khảo sát và tư vấn hotline về việc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy có 56,4% phụ huynh không tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần cho trẻ; trong đó, 4,1% chưa bao giờ tẩy giun cho con, 9,9% phụ huynh không nhớ đã tẩy giun cho con hay chưa và gần 42,5% trẻ em được tẩy giun cách đây từ 1 năm trở lên.
Thời điểm tháng 5 - 6 là đỉnh điểm của thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, oi bức, độ ẩm không khí tăng cao... khiến cho các loài vi khuẩn gây bệnh và các loài truyền bệnh có dịp bùng phát mạnh. Đây cũng là khoảng thời gian trẻ được nghỉ học và ăn uống tự do, tạo điều kiện cho các loại trứng giun thâm nhập cơ thể. Tuy nhiên vì đây là thời điểm có nhiều dịch bệnh cùng diễn ra nên làm mọi người khó phân biệt nguồn bệnh để chữa trị kịp thời.
Em N.T.K.K (12 tuổi, Bình Dương) được gia đình đưa vào bệnh viện trong tình trạng tiêu chảy cấp. Gia đình cho biết em đã bị tiêu chảy lỏng 5 ngày, đau quặn bụng quanh rốn, không sốt không nôn. Khi kiểm tra tổng quát, toàn bộ thể trạng trung bình, không sốt, bụng mềm, siêu âm tổng quát bình thường. Cho đến khi nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện ra có nhiều vết trợt đọng máu lẫn nhầy máu và có nhiều giun móc ở đại tràng và manh tràng. Trao đổi với người nhà bệnh nhân, gia đình cho biết chỉ nghĩ K.K bị tiêu chảy thông thường do ăn uống, cho nên chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho em uống. Đến khi em kêu đau bụng chịu không nổi và tiêu chảy mất nước liên tục mới đưa em nhập viện. Sau khi được các bác sĩ gắp 23 giun móc, sức khỏe của em đã dần hồi phục và xuất viện.
Đây chỉ là một trong những ca nhiễm giun nặng nhưng người bệnh và gia đình không hề hay biết, nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Những trường hợp như vậy nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do khả năng mắc bệnh vào mùa hè khá cao, chúng ta nên chủ động tẩy giun “vệ sinh cơ thể” phòng ngừa các bệnh đường ruột do giun gây ra.
Làm sao để tẩy giun đạt hiệu quả ?
Theo PGS-TS Trần Thanh Dương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, mỗi người dân cần thực hiện việc tẩy giun đồng loạt cho các thành viên trong gia đình 6 tháng 1 lần vào cùng một thời điểm. Vì nếu chỉ tẩy cho một người thì người đó vẫn có thể tái nhiễm nếu tiếp xúc với các đồ vật có dính trứng giun kim do các thành viên trong gia đình thải ra ngoài không khí. Do đó, việc tẩy giun cần được thực hiện định kỳ và duy trì thành thói quen bắt buộc.
Đồng thời, thuốc tẩy giun cần được lựa chọn hợp lý về tính tẩy hiệu quả và an toàn. Hiện nay trên thị trường có một số loại thuốc tẩy giun thông dụng không kê đơn, một trong số các loại thông dụng này là loại chứa 500 mg mebeldazole. Trong số ba dạng thù hình của mebeldazole thì polymorph C được giới y khoa đánh giá là có hoạt tính tẩy giun cao nhất, ít độc tính nên an toàn khi sử dụng, giúp hạn chế các tác dụng phụ cũng như những biến chứng do thuốc tẩy giun. Đây là hoạt chất có cơ chế tác dụng là làm tê liệt hoặc làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của giun, khiến giun tự chết đi và tự phân giải theo đường phân. Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là giống nhau, mỗi lần tẩy giun chỉ cần uống 1 viên 500 mg duy nhất để tẩy các loại giun đường ruột thông thường. Mọi người có thể uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, vào lúc bụng đói hay no. Nếu muốn thuốc phát huy tác dụng tốt nhất thì nên uống sau bữa ăn tối 2 giờ hoặc vào sáng sớm khi bụng đói. Phụ huynh có thể tẩy giun cho bé bằng những loại thuốc có mùi vị trái cây hoặc vị sô cô la để khuyến khích sự hợp tác của bé.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.