Nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường

11/02/2008 18:59 GMT+7

Bệnh tiểu đường thường dẫn đến biến chứng loét và hoại thư bàn chân, gây tàn phế rất cao cho người bệnh, nhiều trường hợp phải đoạn chi do biến chứng của bệnh.

Vì sao tiểu đường gây nhiễm trùng ở bàn chân?

Tình trạng nhiễm trùng nói chung có thể gặp ở cả người bình thường và người bệnh tiểu đường, nhưng tình trạng nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm trùng bàn chân lại rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM thì: ở bệnh nhân tiểu đường tình trạng miễn dịch bị thay đổi, chức năng của bạch cầu đa nhân bị ức chế, đặc biệt khi có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa. Có nhiều bằng chứng cho thấy khi cải thiện đường huyết trên bệnh nhân tiểu đường thì khả năng miễn dịch cũng được cải thiện. Ở bệnh nhân bị tiểu đường, do bị suy yếu hệ thống miễn dịch nên người bệnh rất dễ nhiễm trùng, bởi sự tấn công của nhiều loại vi trùng.

Hằng năm, tại Mỹ, tình trạng nhiễm trùng bàn chân xảy ra ở người bệnh tiểu đường gây tốn kém chi phí cho điều trị lên đến gần 200 triệu USD. Các nhà chuyên môn cho rằng, có 3 yếu tố chính gây ra vết loét ở bàn chân trên bệnh nhân tiểu đường là: tình trạng nhiễm trùng, bệnh lý thần kinh và tổn thương động mạch.

Điều trị

Nhiễm trùng, loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường

Việc điều trị kháng sinh đơn thuần thường không có hiệu quả hay hiệu quả rất kém ở người bệnh tiểu đường bị nhiễm trùng bàn chân. PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho biết, nhiễm trùng bàn chân trên bệnh nhân tiểu đường có thể được điều trị ngoại khoa có kết quả tốt. Các phương pháp điều trị ngoại gồm: điều trị phục hồi sự lưu thông của mạch máu bằng phương pháp làm cầu nối động mạch, nếu các động mạch bị tổn thương có đầy đủ các điều kiện như: động mạch không bị hẹp ở phía trên, động mạch phía dưới thông, thành động mạch chỗ khâu nối còn tốt để có thể khâu nối tốt; cắt thần kinh giao cảm thắt lưng; cắt lọc tại chỗ và cuối cùng là cắt cụt chi - nếu các phương pháp điều trị khác thất bại.

Để đánh giá tình trạng, tất cả các bệnh nhân đều được làm các xét nghiệm về đường huyết lúc đói (4 giờ sáng và 8 giờ tối), céton niệu, đường niệu, chức năng gan, chức năng thận, X-quang bàn chân để xác định tổn thương xương nếu có, với phim chụp X-quang thông thường giúp đánh giá mức độ tổn thương xương có liên quan. Xét nghiệm quan trọng nhất cần phải làm là siêu âm Doppler mạch máu để xác định tổn thương của các mạch máu lớn như: động mạch chủ bụng, động mạch chậu, đùi, khoeo, chày trước và chày sau, để tìm ra những đoạn động mạch bị tắc nghẽn...

Việt Nam được xem là vùng dịch tễ của bệnh tiểu đường. Thống kê mới nhất cho thấy: tỷ lệ bệnh ở các quận nội thành TP.HCM là 2,52%, ở Hà Nội là 1,1%, ở Huế là 0,96%, trong đó tiểu đường type II  chiếm hơn 90%. Cả hai giới nam và nữ đều có thể bị bệnh với tỷ lệ như nhau. Bệnh hay đưa đến biến chứng loét và hoại thư bàn chân và gây tàn phế rất cao cho người bệnh (25% bệnh nhân nằm viện do các biến chứng ở bàn chân, và 50% các trường hợp cắt đoạn chi là do biến chứng của tiểu đường).

Kỹ thuật mổ cắt lọc trên bệnh nhân tiểu đường nhiễm trùng bàn chân đòi hỏi bác sĩ phải đánh giá kỹ tổn thương, có khi phải cắt lọc nhiều lần cho đến khi vết thương xuất hiện mô hạt. Phẫu thuật cắt bỏ phần xương bị nhiễm trùng kết hợp với điều trị kháng sinh được coi như là biện pháp điều trị viêm tủy xương có hiệu quả nhất. Việc đánh giá đúng tình trạng nhiễm trùng bàn chân là rất quan trọng, nếu phải cắt đoạn chi thì cũng cố gắng giữ lại đầu gối, vì khi đoạn chi dưới đầu gối thì chỉ cần tốn thêm 10% năng lượng để đi lại, nhưng nếu đoạn chi trên đầu gối thì phải cần thêm 65% năng lượng. Trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân tiếp tục được điều chỉnh đường huyết bằng Insulin với sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Lượng đường huyết thường hay dao động rất nhiều khi có nhiễm trùng vết thương và cần phải kiểm soát đường huyết thật tốt để giúp vết thương mau lành.

Người bệnh cần kê chân cao, thay băng mỗi ngày, lưu ý không ngâm chân vào nước sát trùng, vì dễ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập và bệnh nhân có thể bị bỏng bởi nước nóng do bệnh lý thần kinh gây mất cảm giác không nhận được nhiệt độ của nước.

Chi Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.