Đó là việc công an xã và công an viên chỉ cần đạt trình độ đã học xong tiểu học trở lên.
Thật hài hước vì những người với trình độ học vấn như vậy họ chỉ có thể làm mỗi việc là tự thân chấp hành pháp luật đã thấy khó, nay lại giao cho họ cái quyền và trách nhiệm tuyên truyền - giữ gìn pháp luật thì rõ ràng là nhiệm vụ bất khả thi. Công an xã như vậy ngoài việc rất khó làm tròn bổn phận là người thừa hành công vụ mà còn gây khó khăn trong quản lý trật tự xã hội tại địa phương do kiến thức có hạn của mình. Với trình độ tiểu học, một công an xã liệu có thể cùng lúc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ... Đây đều là những công việc đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức cơ bản hoặc được đào tạo nghiệp vụ. Công an viên học vấn thấp mà giao thẩm quyền quá lớn cộng thêm sử dụng các phương tiện có nguồn nguy hiểm cao độ thì việc lạm quyền và phạm pháp là khó tránh khỏi. Câu chuyện công an xã sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng, xâm hại quyền nhân thân, quyền về tài sản của nhân dân, trực tiếp gây án mạng gần đây cho thấy cần phải tuyển chọn kỹ hơn nữa lực lượng công an xã chứ không nên “xã hội hóa” việc tuyển chọn công an viên theo dự thảo luật Công an này.
Vụ việc bốn công an xã đánh chết người, thay nhau tra tấn nạn nhân diễn ra hồi tháng 9.2014 tại H.Đông Anh, Hà Nội hay vụ việc Công an xã Vạn Thọ, H.Vạn Ninh, Khánh Hòa xảy ra mới đây vẫn là những dòng thời sự nóng hổi. Đối với tội phạm có tổ chức, nếu công an xã nghiệp vụ kém không những không làm được việc mà còn có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt người lọt tội. Quyền hạn nhiều mà trình độ hạn chế ngoài việc dễ dẫn đến lạm quyền còn mang ý nghĩa tiêu cực là phá hoại.
Tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã và công an viên như vậy thì cho dù những người này có nhiệt tình cống hiến đến đâu, nhưng kiến thức có hạn thì chỉ làm hại cho xã hội mà thôi.
Bình luận (0)