Nhiếp ảnh gia An-My Le: Việt Nam rất quan trọng với tôi

23/10/2012 08:51 GMT+7

Được xướng danh là một trong những người thắng giải MacArthur Fellowship 2012 (giải Thiên tài, trị giá 500.000 USD) - một trong các giải thưởng cao quý của Mỹ nhằm tôn vinh những cá nhân có hoạt động sáng tạo đem lại hữu ích cho nhân loại, những ngày vừa qua nhiếp ảnh gia Mỹ gốc Việt AN-MY Le quả thật rất bận rộn.

Ngoài những giờ lên lớp trong vai trò giáo sư khoa nhiếp ảnh Trường cao đẳng Bard College (New York, Mỹ) là các buổi hội nghị, hội thảo khắp nước Mỹ. CTV của Tuổi Trẻ đã cất công "săn đuổi" mới thực hiện được cuộc trò chuyện với bà.

* Bà cảm nhận thế nào khi biết tin mình đoạt giải?

- Tôi sửng sốt đến bất ngờ. Tôi như lâng lâng giữa niềm vui sướng vô bờ, xen lẫn tự hào và cũng cảm thấy hơi hốt hoảng khi nghĩ đến những thiên tài thật sự từng đoạt giải trước đây mà tôi biết là mình chưa bao giờ ngang tầm họ.

* Giờ đây nhận giải rồi, kế hoạch tương lai của bà là gì?

- Tôi sẽ phải hoàn thành dự án Events Ashore (Những bờ biển) đã khởi động cách đây năm năm. Tôi đã thực hiện ở hầu hết châu lục (kể cả ở Nam cực) và giờ chỉ còn phải sang châu u. Tôi để phần việc này lại sau cùng vì nghĩ đây là phần dễ nhất.

Nhiếp ảnh gia An-My Le 1 
Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt An-My Le (ảnh chụp năm 2007 tại Mỹ) - Nguồn ảnh: Art21

* Có nhiều cách để kể về chiến tranh. Tại sao bà lại chọn nhiếp ảnh?

- Đơn giản vì tôi là nhiếp ảnh gia và lại chẳng có chút khiếu viết lách nào cũng như chẳng rành rẽ các nghệ thuật khác (cười).

* Hai chúng ta đều là nhiếp ảnh gia theo đuổi đề tài chiến tranh. Nhìn chung tôi thường chụp loại ảnh trực tiếp, nhanh. Còn bà lại theo đuổi loại ảnh khổ lớn buộc phải suy tư, có chút dàn dựng. Theo bà, đâu là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để kể chuyện chiến tranh?

- Đó là hai cách khác biệt nhau và đều quan trọng như nhau. Tôi luôn muốn theo đuổi loại ảnh khổ lớn. Tôi không thể cạnh tranh với nhiếp ảnh gia báo chí. Cũng là do tôi không thể làm việc theo kiểu nhanh được. Không phải lúc nào cũng có thể "chộp" được sự kiện chính, chộp bắt được hành động chớp nhoáng. Vì vậy tôi tìm kiếm các chi tiết phụ hoặc những chi tiết gián tiếp quanh sự kiện chính. Công việc đó hóa ra đặt ra nhiều thách thức hơn cho tôi vì chúng diễn tả những thứ ta không biết rõ và không hề mong đợi. Tôi muốn làm theo cách của mình chứ không theo mong muốn của ai đó.

* Chúng ta đang ở thời kỳ thông tin truyền đi với tốc độ ánh sáng, truyền theo đường điện tử qua màn hình, máy tính bảng, điện thoại di động. Vậy có cơ hội nào cho loại ảnh khổ lớn đến với công chúng? Bà có cho rằng loại ảnh này có tương lai không?

- Loại ảnh của tôi thường là khổ lớn 30 x 40cm (thể loại đen trắng) và 56,5 x 40cm (thể loại ảnh màu). Với loại ảnh này, người ta có thể xem từ xa để thấy toàn cảnh hoặc lại gần để nhìn rõ chi tiết. Đó là một trải nghiệm nhưng bản thân tôi cũng đánh giá cao những tấm ảnh chụp tức thời bằng iPhone phát đi trên Internet.

* Xin trở về với câu chuyện VN. Bà có thể kể về ý tưởng ấp ủ của dự án Vietnam (1995-1998) không? Tại sao bà lại chọn dự án đó và đã thực hiện như thế nào?

- Hồi còn học ở Đại học Yale, tôi đã được khuyến khích làm gì đó hay hơn cả câu chuyện chính bản thân mình. Tôi lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật năm 1993 (bà An-My Le từng lấy bằng thạc sĩ khoa học ở Đại học Stanford năm 1985 - NV) và bắt đầu trở về VN khi Mỹ và VN nối lại quan hệ và bãi bỏ cấm vận kinh tế.

* Những kỷ niệm nào khiến bà nhớ nhất trong những ngày quay lại VN?

- Tôi yêu thích tất cả những gì còn lại của truyền thống nông nghiệp, bất kỳ những tác phẩm thủ công khéo léo nào được bày biện khắp nơi trên đường.

* Là một Việt kiều Mỹ, bà nghĩ gì về VN ngày nay?

- Tôi rất thường nghĩ về VN. Dẫu sao VN cũng là quê nhà nên rất quan trọng với tôi.

* Sau khi rời quê hương một thời gian dài, cảm giác của bà như thế nào khi chụp ảnh về đề tài VN nhiều năm sau chiến tranh?

- Chiến tranh đã gắn với một phần cuộc đời chúng tôi. Người ta hỏi: "Chiến tranh có đáng sợ không?". Khi đó chúng tôi còn quá bé nên không thể cảm nhận cuộc chiến giống như người lớn. Là một đứa trẻ thì chiến tranh chỉ đơn giản là một phần đời và bạn phải đối mặt khi nó xảy ra mà thôi.

Ngay khi trở lại VN, tôi nhận ra rằng mình không quan tâm lắm đến tâm lý của con người nơi đây. Tôi chú ý nhiều hơn đến hoạt động của họ và những hoạt động này trông sẽ ra sao khi đặt vào bối cảnh xung quanh. Tôi thấy những thứ đó gợi mở nhiều hơn về văn hóa và lịch sử của đất nước. Hơn nữa, như thế lại phù hợp hơn với công việc của tôi và những gì mà tôi yêu thích. Có những người (như Judith Ross) có thể chụp ảnh một nhân vật rồi bằng cách nào đó truyền tải cả một quá trình lịch sử hay một ký ức tổng thể. Còn với mình, tôi sử dụng cảnh vật để làm công việc ấy.

* Duyên cớ nào khiến bà chọn chiến tranh VN làm đề tài cho các tác phẩm của mình?

- Khi trở thành nhiếp ảnh gia, một trong những điều đầu tiên tôi học được từ những bậc tiền bối là tốt nhất nên dựa vào những gì mình biết rõ nhất, trừ phi bạn là một nghệ sĩ theo trường phái ý niệm. Vậy thì tôi biết rõ nhất những gì? Đó là cuộc đời tôi đã đảo lộn đến mức độ nào và chuyện tìm hiểu nó cũng như những câu hỏi về chiến tranh và sự tàn phá - tại sao có nhiều thứ về chiến tranh VN vẫn còn chưa được giải quyết xong ở Mỹ. Đó là những thứ tôi muốn chạm đến cùng với việc thể hiện chiến tranh trong phim ảnh và giờ đây là cuộc chiến ở Iraq. Tôi cảm thấy lo âu khi cuộc chiến này nổ ra vào tháng 3-2003 và cảm thông cho những người lính bị cử đến Iraq. Tôi muốn khám phá những điều như thế và muốn biết nhiều hơn về chuyện chúng tôi (người Mỹ - NV) đã chuẩn bị cho cuộc chiến này như thế nào.

 Nhiếp ảnh gia An-My Le

Tấm ảnh có tên Không đề, đồng bằng Mêkông chụp ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1994. Với tấm ảnh này, bà An-My ghi lại cảm xúc: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có lá bài định mệnh trong cuộc sống, và tôi nghĩ rằng mình được trao một quân bài rất khó. Sau đó tôi nhận ra rằng quân bài này làm cho cuộc sống của tôi phong phú hơn và đó là một nền tảng tuyệt vời cho công việc của mình. Nếu không nhận thức được nó khi làm việc, tôi phải luôn tìm cách hiểu ý nghĩa của chiến tranh, chiến tranh tác động đến cuộc sống của tôi như thế nào và có nghĩa gì để sống qua những thời khắc hỗn loạn như thế. Rất nhiều câu hỏi như thế luôn đặt ra khi tôi làm việc".

Theo Võ Trung Dung / Tuổi Trẻ
(thực hiện từ Paris)
Thanh Liêm (chuyển ngữ)

>> Tại sao nhiếp ảnh gia của tổng thống Iran đào tẩu?
>> Nhiếp ảnh gia của Tổng thống Iran đào tẩu
>> Nhiếp ảnh gia tệ nhất
>> Nhiếp ảnh gia lưu giữ ký ức
>> Nhiếp ảnh gia “tắm ao nhà”
>> Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chụp ảnh môi trường từ máy bay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.