Kiệt sức do nhiệt và sốc nhiệt là những tình trạng nghiêm trọng do nhiệt gây ra và có thể gây tử vong.
Nhiệt độ cao cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh lý hoặc bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ và đau tim, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ.
Cơ thể có thể chịu được trong khoảng 40-50 độ C
Nhiệt độ không khí mà cơ thể có thể chịu được là trong khoảng 40-50 độ C, theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí nghiên cứu Physiology Report.
Khi nhiệt độ không khí đạt tới 50 độ C, cơ thể không thể tản nhiệt được nữa và nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên mức nguy hiểm. Khi nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên đến 42 độ C có thể gây tổn thương não, theo chuyên trang y tế MedlinePlus.
Trong khoảng nhiệt độ từ 32 đến 40 độ C, cơ thể có thể bị chuột rút và kiệt sức vì nóng.
Nhiệt độ không khí khoảng từ 40 đến 54 độ C, nguy cơ kiệt sức do nhiệt tăng cao. Nên hạn chế hoạt động trong khoảng nhiệt độ này.
Khi nhiệt độ không khí trên 54 độ C thường dễ xảy ra sốc nhiệt, theo CDC Mỹ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về môi trường năm 2022 cho biết nhiệt độ cơ thể tối đa mà con người có thể sống sót chỉ cao hơn 17 độ so với bình thường. Ông Willie Jones, 52 tuổi, sống ở Atlanta (Mỹ), khi được cứu trong đợt nắng nóng năm 1980, nhiệt độ cơ thể của ông là 46,5 độ C.
Nắng không chịu nổi, tài xế xe công nghệ 'tắt app giấc trưa', làm thêm nhiều việc
Tác động của nhiệt độ gắn liền với độ ẩm
Một điều quan trọng cần lưu ý là độ ẩm không khí ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt độ thực sự mà cơ thể cảm nhận được, độ ẩm càng cao thì cơ thể càng phải làm việc nhiều để giữ mát.
Ví dụ: Nếu nhiệt độ không khí là 29 độ C nhưng độ ẩm bằng 0 thì nhiệt độ cơ thể cảm nhận là 26 độ C.
Cũng nhiệt độ không khí là 29 độ C, mà độ ẩm 80%, thực tế sẽ có cảm giác như 36 độ C, theo MedlinePlus.
Theo lý thuyết này, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã tìm ra giới hạn sinh tồn của con người là 46 độ C ở độ ẩm 50%, nhưng ở độ ẩm 100% thì con người chỉ có thể chịu được nhiệt độ 35 độ C, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Những ai dễ gặp nguy hiểm?
Chuyên gia Joy Monteiro, một nhà nghiên cứu ở Ấn Độ, cho biết: Sức chịu đựng nhiệt là khác nhau ở mỗi người.
Chuyên gia Joy Monteiro: Trẻ em, nhất là trẻ dưới 4 tuổi, ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, khiến chúng có nguy cơ gặp nguy hiểm cao hơn.
Người già, những người có ít tuyến mồ hôi hơn, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Gần 90% số ca tử vong do nhiệt độ là người trên 65 tuổi, theo Healthline.
Những người phải làm việc ngoài trời trong điều kiện nhiệt độ tăng cao cũng có nguy cơ cao hơn.
Người tiếp xúc với sự thay đổi thời tiết đột ngột từ lạnh sang nóng.
Người thừa cân hoặc béo phì.
Người dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu và thuốc kháng histamine.
Cách xử trí khi nhiệt độ cực cao
Giữ đủ nước là quan trọng nhất. Đừng đợi khát mới uống. Khi mất nhiều nước hoặc đổ mồ hôi nhiều, hãy nhớ bổ sung chất điện giải.
Nên làm mọi thứ có thể để giảm nhiệt độ như tắm nước mát, ăn đồ lạnh và mặc quần áo nhẹ hơn.
Nếu cảm thấy quá nóng, hãy nới lỏng quần áo hoặc cởi bớt quần áo cho đến khi thấy mát.
Cố gắng tránh những nơi cực kỳ nóng.
Bình luận (0)