TP.HCM: Được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện
Ngày 10.10, Thành ủy TP.HCM đã có thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy TP.HCM về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo đó, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh, phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh, danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng nhà trường quyết định, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn giáo viên, phân bổ thời gian hợp lý. Quan tâm, chú trọng việc phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng học sinh giỏi. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo thông tư 17 của Bộ và quyết định của TP.
|
Nhiều bạn đọc đã phản hồi trên Thanh Niên Online trước thông tin này. Bạn đọc Minh Hoàng chia sẻ: Chúng ta nên mạnh dạn đề xuất "tinh gọn" hoặc bỏ một số nội dung, môn học "mang tính đại trà" để giảm áp lực cho các em. Khi đó, các em sẽ có thời gian tự học thì nhu cầu học thêm cũng giảm theo. Bạn đọc L.H nói: Tôi thấy tiêu cực trong dạy thêm là có, nhưng phải đánh cho trúng và dứt điểm từng trường hợp chứ không phải gom tất cả vào một rồi dán hai chữ "tiêu cực" lên đó...
Nam sinh xin thôi học vì nhà hết gạo đã trở lại trường
Câu chuyện cậu bé Quách Văn Trúc, học sinh lớp 7C, Trường THCS Xuân Khang (xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) viết đơn xin nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình đã làm rơi nước mắt của nhiều người suốt nhiều ngày qua. Sau khi biết chuyện, nhiều người cho biết mong được giúp đỡ cậu bé nghèo hiếu học này, đồng thời mong cậu bé đi học lại. Vào ngày 8.10, đại diện Báo Thanh Niên đã đến tận nhà thăm hỏi và trao hỗ trợ cho em Trúc và gia đình 10 triệu đồng.
|
Chiều 9.10, thầy Nguyễn Như Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Khang, cho biết: “Nhà trường đã trích từ quỹ khuyến học hỗ trợ cho em Trúc một chiếc xe đạp trị giá 1 triệu đồng. Ngoài ra, các thầy cô giáo và các em học sinh cũng quyên góp được 200.000 đồng và 20 kg gạo giúp gia đình Trúc. Hiện em Trúc đã đi học trở lại”.
Cẩn thận với hình thức luyện thi trực tuyến
Bộ GD-ĐT vừa công bố 14 đề thi minh họa của 9 môn, nằm trong 5 bài thi THPT quốc gia 2017. Do năm nay, tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ Ngữ văn) nên xu hướng luyện thi trực tuyến đang “hot” với học sinh lớp 12.
Rất nhiều website luyện thi trực tuyến đã được mở ra. Chỉ cần đăng ký tài khoản, sau đó nạp thẻ cào vào tài khoản đã được đăng ký để mua các khóa học, môn học hoặc chuyên đề theo nhu cầu của người học với các mức từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng.
Những địa chỉ này còn khuyến mãi và quảng cáo vô cùng hấp dẫn, như: đăng ký ngay giảm 25%; bám sát đổi mới Bộ GD-ĐT; đảm bảo đậu THPT…
Tuy nhiên, theo Huỳnh Tuấn Anh, HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) thì cần suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn hình thức ôn thi này, bởi kho dữ liệu trên mạng là kiến thức tự phát, khó kiểm soát về chuyên môn. Chưa kể với những học sinh học chưa tốt, mê chơi game thì luyện thi trực tuyến dễ lợi bất cập hại.
Không dễ để đi lao động nước ngoài
Đó là ý kiến của nhiều người khi đọc câu chuyện rồng rắn xếp hàng chờ thi tiếng Hàn.
|
Theo đó vào ngày 8.10, hơn 21.000 người trong cả nước đã đổ về Hà Nội, TP. Vinh (Nghệ An) và TP.HCM tham dự kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên trong số này chỉ có 2.100 thí sinh có điểm cao nhất sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi tay nghề. Những người lao động đạt kết quả xuất sắc trong kỳ kiểm tra tay nghề sẽ được giới thiệu để chủ sử dụng Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn.
Thế giới đang thiếu đến 69 triệu giáo viên tiểu học và trung học
Tình trạng thiếu hụt lớn giáo viên này vừa được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công bố.
|
Theo báo cáo, cộng đồng thế giới cần thêm 24,4 triệu giáo viên tiểu học và 44,4 triệu giáo viên trung học mới đạt được mục tiêu giáo dục phổ cập mà UNESCO đã đặt ra.
Bình luận (0)