(TNO) Nhiều chuyên gia khảo cổ cho rằng bảo vật quốc gia đợt 2 (công nhận ngày 30.12) mang dấu ấn địa phương rõ nét. Chúng hiện đang nằm tại các bảo tàng hay di tích ở địa phương.
Chẳng hạn: Bộ đồ vàng ở Bảo tàng Long An; trống đồng Đền Hùng và bộ đai khóa lưng bằng đồng nằm ở khu di tích đền Hùng, Phú Thọ; thạp đồng Hợp Minh ở Bảo tàng Yên Bái; kiếm ngắn Núi Nưa ở bảo tàng Thanh Hóa; Đại Hồng chung chùa Thiên Mụ ở Thừa Thiên-Huế; ba pho tượng Tam thế ở chùa Linh Ứng, Bắc Ninh...
“Về nguyên tắc trưng bày, tốt nhất các hiện vật nên được gắn liền với di tích, nơi tìm thấy nó”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, nói.
Trống đồng Hùng Vương do đó cũng đang được giữ tại khu di tích đền Hùng (Phú Thọ). Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đây là hiện vật gắn liền với không gian quần thể di tích Hùng Vương, biểu trưng của dân tộc, nhà nước đầu tiên.
Cũng theo ông Liêm, kiếm Núi Nưa tại Thanh Hóa - một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn - thể hiện sự gắn bó với trung tâm quần thể của Đông Sơn rất rõ nét.
Văn bia, tượng thờ cũng là những bảo vật được lưu giữ tại địa phương. Thậm chí trong số đó, có cả bảo vật gây xôn xao trong nhân dân vì hình thức quá đặc biệt của mình như tượng rắn ở đền thờ Lê Văn Thịnh, Bắc Ninh.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc các bảo vật quốc gia đợt này phần nhiều nằm ở địa phương cho thấy sự đa dạng và gắn liền với di tích của chúng. Tuy nhiên, nó lại làm dấy lên nỗi lo về bảo quản hiện vật. Nỗi lo bảo quản này không chỉ việc giữ sao cho hiện vật không biến dạng mà còn sao cho hiện vật không mất mát. Bởi việc mất trộm cổ vật tại các di tích bây giờ không phải là hiếm. Trong khi đó, mô hình quản lý, bảo tồn di tích nào phù hợp vẫn chưa được ngành văn hóa thống nhất chọn lựa.
Theo GS Trần Lâm Biền, chuyên gia về di sản - văn hóa, trách nhiệm cụ thể việc quản lý di tích, hiện vật vẫn còn bỏ ngỏ.
|
Danh sách các bảo vật quốc gia vừa được công nhận đợt 2, ngày 30.12 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
- Trống đồng Đền Hùng, trống đồng Cẩm Giang I, mộ thuyền Việt Khê, thạp đồng Hợp Minh, bộ khóa đai lưng bằng đồng và kiếm ngắn Núi Nưa (Văn hóa Đông Sơn). - Bia Xá Lợi Tháp Minh, bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, bia Sùng Thiện Diên Linh, bia chùa Sùng Khánh, bia Vĩnh Lăng Lam Kinh. - Chuông chùa Bình Lâm, chuông chùa Vân Bản, đại hồng chung chùa Thiên Mụ. - Rồng đá tại đền thờ Lê Văn Thịnh, Bắc Ninh. - Tượng Phật A Di Đà chùa Ngô Xá, tượng Quan m nghìn mắt nghìn tay, bộ ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng, tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (thời Lê Trung Hưng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). - Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc. - Vạc đồng thời Lê Trung Hưng, Thanh Hóa. - Súng thần công thời Nguyễn, Hà Tĩnh. - Bia Võ Cạnh, tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn, tượng Avalokitesvara Đại Hữu (Văn hóa Chămpa). - Tượng động vật Dốc Chùa (Văn hóa Đồng Nai). - Tượng Phật Bình Hòa, tượng Phật Sa Đéc, Tượng Thần Visnu, tượng Thần Visnu, tượng Nữ Thần Durga, tượng Avalokitesvara, bộ sưu tập hiện vật vàng (Văn hóa Óc Eo). - Tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc”, tranh “Hai thiếu nữ và em bé”, tranh “Em Thúy”, tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. |
Trinh Nguyễn
>> Công bố 30 bảo vật quốc gia
>> Bảo vật quốc gia: Hào quang của cây đèn hình người quỳ
>> Công bố bảo vật quốc gia
>> Đề xuất công nhận 3 hiện vật là bảo vật quốc gia
>> TP.HCM đề nghị công nhận 27 bảo vật quốc gia
Bình luận (0)