Nhiều bất cập trong công tác PCCC

Trung Hiếu
Trung Hiếu
21/03/2019 08:57 GMT+7

Ngày 20.3, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (của Quốc hội) Võ Trọng Việt dẫn đầu, làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở TP.HCM.

5 năm, xảy ra hơn 6.200 sự cố cháy

Theo báo cáo của TP.HCM, từ năm 2014 đến 2018, TP.HCM xảy ra 6.245 sự cố cháy khiến 85 người chết, 238 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 835 tỉ đồng. Cùng thời gian trên, TP.HCM xảy ra 13 vụ nổ khiến 10 người chết, 19 người bị thương, thiệt hại 160 triệu đồng.
Ông Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh QH, nêu vấn đề: Từ năm 2014 - 2018, TP xảy ra 6.245 sự cố cháy nhưng Cảnh sát PCCC trực tiếp tổ chức chữa cháy 1.594 vụ, chỉ đạt tỷ lệ hơn 25%. Ông Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh QH, hỏi: TP.HCM với gần 14 triệu dân, với số lượng khoảng 10.300 trụ nước như báo cáo đã đủ chưa?
Bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp QH, nói: “Chúng tôi rất lo lắng khi nghe nói các chung cư (CC) chưa được thẩm duyệt PCCC được đưa vào sử dụng. Bài học nhãn tiền là vụ cháy CC Carina với số người chết rất lớn. Đó là CC đã được thẩm duyệt PCCC mà hậu quả còn như thế, vậy những CC hệ thống PCCC chưa được thẩm duyệt nếu xảy ra cháy nổ không biết hậu quả ra sao”...

Kiểm tra PCCC doanh nghiệp 1 hay 4 lần mỗi năm?

Là thành viên đoàn giám sát, từng làm Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, đại tá Lê Tấn Bửu lý giải con số 25% Cảnh sát PCCC trực tiếp chữa cháy mà thành viên trong đoàn nêu. Đó là do phong trào PCCC tại TP.HCM triển khai khá mạnh nên 75% số vụ khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp tới thì lực lượng PCCC tại chỗ và người dân đã xử lý.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nêu sự bất cập, chồng chéo giữa Nghị định 79 của Chính phủ và Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ gây khó khăn cho công tác PCCC. Theo Nghị định 79 ban hành năm 2014, những đối tượng, cơ sở thuộc mục 1, mục 2 của nghị định này cho phép PCCC kiểm tra 4 lần/năm. Tuy nhiên năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 20 chỉ cho phép cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra không quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.
“Chúng tôi vẫn loay hoay trong việc kiểm tra 1 lần hay 4 lần. Nếu kiểm tra 1 lần theo Chỉ thị 20 thì giảm phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; nhưng khi xảy ra sự cố cháy chết người, đoàn kiểm tra vào cuộc lại hỏi tại sao Nghị định 79 yêu cầu kiểm tra một năm 4 lần mà các anh kiểm tra có 1 lần?”, ông Hưởng nói và đề nghị đoàn giám sát cần có ý kiến chính thức và cơ quan nhà nước sớm ban hành thông số kiểm tra 1 lần hay 4 lần để tránh PCCC vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vấn đề trụ nước chữa cháy ở TP.HCM, đại tá Hưởng cho biết hiện TP.HCM có khoảng 10.300 trụ nước.
Theo quy hoạch đến năm 2025, TP cần có khoảng 25.000 trụ nước. Thời gian qua các trụ nước hư hỏng rất nhiều, Cảnh sát PCCC phối hợp Tổng công ty cấp nước TP.HCM sửa chữa nhưng sau đó không lấy được kinh phí. Lý do, theo Thông tư 04 của Bộ Xây dựng thì việc sửa chữa phải có khung giá sửa chữa. Khung giá đó hiện chưa được ban hành dẫn tới vướng mắc về kinh phí sửa chữa trụ cứu hỏa.
“Chúng tôi rất đau xót khi nhìn thấy trụ nước bị hư hỏng mà không có nguồn kinh phí sửa chữa”, đại tá Hưởng nói.
Đề xuất thành lập Hiệp hội PCCC tại TP.HCM
Tại cuộc làm việc, đại tá Nguyễn Thanh Hưởng đề nghị Chính phủ có quy định, hướng dẫn về việc thành lập Hiệp hội PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và trên phạm vi cả nước để có thể tranh thủ nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm trong xã hội cho công tác PCCC… Trước mắt có thể thí điểm thành lập Hiệp hội PCCC tại TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.