Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, cần làm rõ điều khoản nói về danh mục 32 luật khác có liên quan sẽ bị xóa bỏ, điều chỉnh, ảnh hưởng... khi luật này có hiệu lực. Theo ông Toàn, khi luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn quy hoạch xây dựng lớn, quy hoạch của thành phố, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, tỉnh...
Ông Toàn cũng không ủng hộ việc xóa bỏ kinh phí xã hội hóa trong lập quy hoạch. Theo ông, tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền núi, nếu xóa bỏ kinh phí xã hội hóa lập quy hoạch sẽ rất khó khăn, kinh phí nhà nước không đáp ứng được. Do vậy, nên cân nhắc quy định chỉ được dùng ngân sách nhà nước lập quy hoạch. Ông còn nhận xét nếu quy định cứng về việc quy hoạch cấp dưới phải theo quy hoạch cấp trên như dự luật, thì có thể làm chậm sự thay đổi. Khi quy hoạch cấp dưới thay đổi phải đẩy lên tận quy hoạch cấp quốc gia thì sẽ chậm.
Góp ý cho dự luật, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị bổ sung thêm 3 danh mục vào quy hoạch là: quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi quốc gia, quy hoạch khai thác nguồn lợi thủy sản quốc gia. Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa thì cho rằng nội dung “quy hoạch không gian biển quốc gia” gây chồng chéo...
Trước các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây không phải lần đầu các bộ có ý kiến không thống nhất khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) cho ý kiến về dự án luật này. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí rất bức xúc là “chưa ổn”, cần xem lại hồ sơ dự án luật. “Chính phủ ký trình dự án luật thì số thành viên đồng ý nhiều hay không? Hay các bộ trưởng không quan tâm còn thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thì thấy chưa được? Như thế chất lượng có đảm bảo không? Chúng tôi không nói là thứ trưởng sai nguyên tắc gì đâu, chúng ta phải lắng nghe các ý kiến khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình trước UB TVQH về những ý kiến “trái chiều” trên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần thống nhất nguyên tắc làm việc. Theo Bộ trưởng Dũng, dự án luật này đã được Chính phủ bàn rất nhiều lần, đã bỏ phiếu và đủ điều kiện thì mới trình Quốc hội. “Khi đã trình thì các ý kiến không chính thức chỉ để tham khảo, ra đây bộ ngành nói ngược nói khác là trái nguyên tắc làm việc”,
Bộ trưởng nói. Bộ trưởng Dũng cũng cho hay đã có lần Thủ tướng phê bình các bộ về việc tương tự. “Ra đến Quốc hội là không được nói ngược, nếu không cứ đẽo cày giữa đường”, Bộ trưởng nói và cho rằng: “Ở các nước có cơ quan làm luật độc lập thì sẽ giải quyết được, còn ở ta khi làm luật nhiều cơ quan chủ yếu xem có ảnh hưởng đến cơ quan mình hay không, chứ không suy nghĩ theo hướng là cần thay đổi cho xã hội tốt hơn”. Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của UB TVQH để sớm trình dự án luật.
Không cho thuê trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước
Cùng ngày, cho ý kiến về dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo dự luật này, cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất có thể cho các cơ quan, tổ chức khác thuê lại.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, quy định trên cần được thể hiện lại hợp lý hơn. “Ví dụ Nhà Quốc hội có Hội trường Diên Hồng, nếu theo quy định này mà cho thuê thì không hiểu ra sao?”, ông Phúc nêu ý kiến. Cũng theo ông Phúc, quy định về việc các trường hợp tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác cũng cần rõ ràng hơn. Ông Phúc nêu ví dụ: Trường hợp nhà 37 Hùng Vương (Hà Nội), sau khi bàn giao cho Văn phòng Chính phủ (trước đây do Văn phòng Quốc hội quản lý - PV) nhưng lại được cho thuê lại.
Về vấn đề trên, tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật này sẽ gửi đại biểu Quốc hội, UB TVQH cho biết có ý kiến đề nghị không quy định việc cho thuê, liên doanh, liên kết đối với tài sản công ở đơn vị sự nghiệp công lập, để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Theo UB TVQH, tuyệt đối không cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết, nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị. Cũng tại văn bản trên, UB TVQH cho hay để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước trong hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, tránh tài sản xuống cấp..., dự luật quy định theo hướng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên đổi tên dự luật thành luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo ông Lưu, dự luật đã được mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả tài sản do các cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị khác quản lý, sử dụng. Khái niệm tài sản công cũng đã được quy định trong Hiến pháp, do vậy nếu để tên luật như cũ là không hợp lý.
|
Bình luận (0)