Có nhiều dòng E.coli và đa số chúng chung sống hòa bình với con người, ngoại trừ một số dòng gây hại cho sức khỏe (ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng tiểu, viêm ruột, kiết lỵ, xuất huyết…).
|
Độc tố bền với nhiệt độ
Đường lây nhiễm của những dòng E.coli gây hại là dây chuyền phân - tay - miệng. Có thể nói, trong từng giờ, chúng ta bị lây nhiễm E.coli từ phân qua các trung gian truyền bệnh là bàn tay, thức ăn, nước uống, vật dụng… và được đưa vào cơ thể qua đường miệng. Nói cách khác, chúng ta bị nhiễm E.coli qua thức ăn, nước uống ô nhiễm phân người và phân động vật, kể cả gia cầm. E.coli có thể xâm nhập thịt gia cầm hay thịt heo trong quá trình làm thịt. Nếu thịt bị nhiễm và không nấu chín (710C) thì vi khuẩn có thể sống sót và thịt vẫn bị nhiễm khuẩn.
Ăn đủ dinh dưỡng, ngủ sớm, tập thể dục thường xuyên là các biện pháp tăng cường sức đề kháng cơ thể và cũng là cách để chung sống hòa bình với vi khuẩn E.coli. |
Ngoài ra, rau cải và trái cây rửa không sạch, sữa tươi chưa tiệt trùng cũng có thể bị nhiễm. Nguồn nước sử dụng sinh hoạt và nấu ăn chứa E.coli cũng là nguồn lây nhiễm quan trọng. Vi khuẩn có thể lan truyền từ tay người này sang tay người khác do không rửa tay sau khi đi tiêu, tiểu; lan truyền từ tay đến các vật dụng trong nhà (chẳng hạn như thớt dùng để chuẩn bị thức ăn); tay bẩn bốc thực phẩm... Độc tố của E.coli bền với nhiệt độ nên khi hâm lại thức ăn cũ bị nhiễm E.coli thì người sử dụng vẫn bị tiêu chảy do độc tố.
Sau khi nhiễm E.coli, tùy vào dòng vi khuẩn bị nhiễm là loại nào (gây hại hoặc không gây hại), số lượng và độc lực của chúng, tình trạng miễn dịch của cơ thể… mà các triệu chứng bệnh lý xuất hiện hoặc là không có gì xảy ra.
Cắt đứt vòng xoắn phân - tay - miệng
Nhận diện thực phẩm hay nguồn nước bị nhiễm E.coli bằng cảm quan như nhìn, sờ, ngửi, nếm thì rất khó biết, ngoại trừ khi thực phẩm đã quá ôi thiu. Tuy vậy, các bà nội trợ vẫn phải lưu ý trong lựa chọn thực phẩm tươi sống. Cụ thể, thực phẩm càng tươi mới, càng nguyên vẹn thì càng tốt. Thịt, cá không nên xay trước hay nạo sẵn, không mua rau làm sẵn hoặc bị dập nát, mua trái cây chỉ nên chọn loại vỏ ngoài còn nguyên vẹn. Sau khi mua về, phải ngâm rửa kỹ càng thực phẩm với muối hoặc nước muối pha loãng. Cần nấu chín kỹ thịt, cá và hạn chế lưu trữ đồ ăn thừa. Nếu ở trong vùng dịch, tuyệt đối không ăn rau sống mà thay bằng rau luộc.
Thường xuyên vệ sinh nhà bếp và vật dụng làm bếp. Mỗi gia đình nên có hai thớt, dùng một thớt để làm thịt và cá sống, một thớt để cắt thịt chín hay rau quả ăn liền. Sử dụng nguồn nước sạch để nấu ăn. Nước uống nên nấu sôi trong 5 phút để nguội và lọc qua bình lọc loại có những cột thạch cao. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sẽ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn nhưng không bảo đảm nếu nhiệt độ không đủ hoặc thời gian quá dài. Cất, đậy thức ăn bảo đảm tránh được ruồi nhặng. Chú ý hâm sôi kỹ thức ăn thừa trước khi sử dụng lại.
Với cá nhân, việc rửa tay bằng xà bông để diệt khuẩn trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh… là một biện pháp quan trọng để cắt đứt vòng xoắn phân – tay - miệng. Khi đi ăn ngoài đường phố, chú ý chọn nơi sạch sẽ không ruồi; thức ăn được che đậy, bàn ăn cao cách mặt đất ít nhất 60 cm, người bốc thức ăn không cầm tiền, thau nước rửa chén sạch, rau, giá phải được trụng qua nước sôi…
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)