Nhiều cán bộ bị khởi tố, đại biểu truy trách nhiệm với Tổng Thanh tra Chính phủ

08/11/2023 07:35 GMT+7

Nhắc tới việc nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý hình sự, đại biểu Quốc hội đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm, giải pháp cũng như công tác bồi dưỡng đạo đức đội ngũ.

Tại phiên chất vấn chiều 7.11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời nhiều đại biểu Quốc hội, liên quan đến công tác xây dựng ngành.

Các đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) và Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đặt câu hỏi chất vấn với Tổng Thanh tra Chính phủ

GIA HÂN

Làm gì để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dẫn nghị quyết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, trong đó yêu cầu "tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong hoạt động thanh tra". Bà Thủy đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã có giải pháp gì để triển khai nghị quyết nêu trên?

Tương tự, đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) biểu dương những kết quả đạt được của ngành thanh tra, kể từ khi nghị quyết ban hành. Tuy nhiên, đại biểu nêu thực trạng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật tăng lên. 6 tháng đầu năm nay, đã có 30 cán bộ bị kỷ luật, 28 trường hợp bị xử lý hình sự.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, tay cầm bó đuốc đi rê chân người", đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm, giải pháp quản lý cũng như bồi dưỡng đạo đức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.

ĐBQH Lê Thanh Vân: 'Trước Quốc hội, tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ nhận trách nhiệm của mình'

Hồi đáp các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, nếu xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức thanh tra, quan điểm của Thanh tra Chính phủ là sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và kiểm soát quyền lực trong ngành thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ đạo toàn ngành triển khai luật Thanh tra năm 2022, tham mưu Chính phủ xây dựng các nghị định hướng dẫn, ban hành các thông tư hướng dẫn để chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng thanh tra, PCTNTC cũng như kiểm soát quyền lực.

Để kết quả khả quan, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Thanh tra Chính phủ về tăng cường chất lượng công tác thanh tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Nhất là các quy định nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra mà vừa qua Thanh tra Chính phủ ban hành như: nhận tiền, nhận quà, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra, bỏ lọt hoặc bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra…

"Thanh tra Chính phủ rất mong các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tham gia giám sát những hành vi vi phạm của thành viên đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra ở các bộ, ngành, địa phương, để Thanh tra Chính phủ xử lý theo quy định", ông Phong nói.

Nhiều cán bộ bị khởi tố, ĐBQH truy trách nhiệm với Tổng Thanh tra Chính phủ - Ảnh 2.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn các đại biểu

GIA HÂN

Sẽ thanh tra nhiều dự án trọng điểm

Cũng liên quan đến lĩnh vực thanh tra, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) dẫn Nghị quyết số 74 của Quốc hội, trong đó yêu cầu tổ chức thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra thường xuyên đối với 51 dự án sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả; 13 dự án trọng điểm lĩnh vực điện, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án để đất hoang hóa và 880 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chưa đưa đất vào sử dụng.

Để làm rõ trách nhiệm xử lý các sai phạm, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí, đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả thực hiện các nội dung nêu trên.

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Tài chính thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát Quốc hội.

Riêng Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng để xác định những nội dung trong nghị quyết là thanh tra thường xuyên chứ không thực hiện thanh tra chuyên đề.

Lý do, các dự án thuộc diện thanh tra đều có quy mô, khối lượng công việc rất lớn, gần 1.000 dự án; chưa kể tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, chính sách pháp luật tại nhiều thời kỳ khác nhau.

Trong khi đó, lực lượng cán bộ Thanh tra Chính phủ rất mỏng, số lượng trực tiếp làm công tác thanh tra chỉ khoảng 200 người, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ nên không thể hoàn thành trong năm 2023 - 2024 như nghị quyết yêu cầu.

Để triển khai nghị quyết có hiệu quả, ông Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt định hướng thanh tra năm 2023 và 2024; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các dự án thuộc diện nghị quyết nêu.

Cùng đó, theo kế hoạch thanh tra năm 2023 và 2024, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước của một số bộ, ngành; thanh tra các dự án công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; việc chấp hành pháp luật trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng  sản Việt Nam (TKV).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.