Nhiều cầu thủ chuyển nghề kinh doanh… bóng đá

21/11/2014 08:59 GMT+7

Hai năm trở lại đây, Hà Nội xuất hiện nhiều sân bóng đá mini (gọi nôm na là sân “phủi”) và lò đào tạo bóng đá mà hầu hết, người đứng ra quản lý hay thành lập đều là các cựu danh thủ hoặc cầu thủ của bóng đá Việt Nam.

 Nhiều cầu thủ chuyển nghề kinh doanh… bóng đá
Sân Pháp Vân tổ chức một giải bóng đá nghiệp dư - Ảnh: Chi Hường

Rời xa sự nghiệp đỉnh cao sau những thành công cùng thế hệ vàng khi còn khoác áo cầu thủ, Triệu Quang Hà quyết định thành lập công ty riêng chuyên về đào tạo bóng đá cho trẻ em, rồi tiếp tục mở sân bóng "phủi". Hiện tại, cựu cầu thủ Thể Công đang quản lý sân bóng khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp - một sân “phủi” thuộc hàng "có số có má" tại Hà Nội.
 
Hà bộc bạch: “Trung tâm đào tạo bóng đá của tôi ngày một phát triển. Có sân riêng, việc vận hành trung tâm đào tạo mới ổn định và lại chủ động về thời gian. Nhiều đơn vị, công ty tại Hà Nội đã chọn nơi đây để tổ chức các giải bóng đá nghiệp dư vì chất lượng sân tốt”.
 
Sân “phủi” nằm phía trong trường Cao đẳng nghề Đường sắt tại P.Thượng Thanh, Q.Long Biên mà trung vệ CLB Hải Phòng Nguyễn Anh Tuấn đang quản lý cũng đắt khách không kém. Tuấn kể đầy tự hào: “Nhu cầu chơi bóng của dân nghiệp dư ngày càng cao nên đơn đặt hàng thường xuyên kín cả tuần. Đến nay tôi đã bắt đầu thu lãi”.
 
Ngoài việc kinh doanh sân “phủi”, tại Hà Nội, khá nhiều cựu cầu thủ đã hùn vốn thành lập các lò đào tạo bóng đá để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

CLB bóng đá trẻ Hà Nội (HYS) do cựu cầu thủ CLB Công an Hà Nội Lưu Danh Minh và cựu tuyển thủ Nguyễn Đức Thắng đồng sáng lập đang hoạt động khá thành công, khi lượng học viên tăng đều đặn mỗi năm.

Tận dụng cơ sở vật chất của CLB bóng đá Hà Nội cũ, Lưu Danh Minh còn hợp tác với tuyển thủ quốc gia Phạm Thành Lương và vài người bạn thành lập Công ty cổ phần bóng đá Việt, vừa huấn luyện bóng đá cho trẻ em lứa tuổi học đường, vừa tổ chức các giải bóng đá phong trào theo mô hình chuyên nghiệp. Vừa qua, giải bóng đá "Phủi Hà Nội mùa 2" đã gây được tiếng vang rất lớn không chỉ ở Hà Nội, mà còn thu hút được các đội bóng từ nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc tham gia.
 
Nếu các lò đào tạo của Liên đoàn bóng đá VN hay Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia đặt nặng vấn đề chuyên môn thì lò “made in Triệu Quang Hà” hay “made in Đức Thắng, Bảo Khanh” lại đề cao việc rèn giũa kỹ năng sống cho trẻ thơ qua các giờ làm quen với trái bóng. Đức Thắng chia sẻ, bóng đá là kênh để giáo dục trẻ con hiệu quả, tự nhiên. Đến sân, các bạn nhỏ không chỉ được học luật đá bóng, mà còn được dạy về sự đoàn kết, kiên nhẫn, nhường nhịn để trở thành những đứa trẻ khỏe, ngoan, biết tự lập và yêu thương. Vì vậy, không ngạc nhiên khi đến sân, chứng kiến thầy Thắng và các cộng sự dạy các con nhặt bóng, xếp chữ, nhặt đồ, tổ chức các trò chơi dân gian kết hợp cùng bóng.

Cầu thủ CLB Hà Nội T&T Thạch Bảo Khanh mới đây cũng đã đứng ra thành lập CLB bóng đá cộng đồng. Khanh chia sẻ mong muốn xây dựng một sân chơi bóng đá lành mạnh cho trẻ em. Quan trọng hơn cả là góp phần tích cực vào sự phát triển thể chất, tinh thần cũng như các kỹ năng sống của các bạn nhỏ.

Triệu Quang Hà thì bộc bạch: “Giáo trình mình tự xây dựng từ vốn tích lũy của sự nghiệp cầu thủ rồi khóa đào tạo HLV bằng A, bằng C và cả tài liệu học khóa ngắn ngày tại Sao Paulo (Brazil). Dạy bóng đá cho bọn trẻ đem lại niềm sung sướng y như trồng một cây non, từ khi gieo mầm cho đến cây ấy lớn dần. Hôm trước, bọn nhóc còn lóng ngóng vụng về đỡ bóng, chuyền bóng, nhưng ngày sau, tuần sau, tháng sau đã thạo hơn, khéo léo hơn. Tự tay chăm bẵm, uốn nắn từng li từng tí mỗi kỹ năng chơi bóng rồi từng ngày được chứng kiến thành quả của mình, hạnh phúc vô cùng!”.

Nhật Duy 

>> Niềm tin bóng đá trẻ
>> Sự tử tế qua bóng đá
>> Khác biệt giữa “fan bóng đá” và “fan Kpop”
>> Chen nhau xem bóng đá 'phủi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.