Nhiều cổ đông OceanBank đề nghị tòa cấp cao tại Hà Nội xem xét quyền lợi

Thái Sơn
Thái Sơn
17/04/2018 10:39 GMT+7

Các cổ đông này cho rằng, trong đại án OceanBank , tòa sơ thẩm buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải bồi thường thiệt hại cho cổ đông là nhà nước thì họ cũng phải được bồi thường.

Liên quan đến phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và các đồng phạm, dự kiến diễn ra ngày mai, 18.4, đã có khoảng 20 cổ đông OceanBank gửi đơn tới TAND TP.Hà Nội, TAND cấp cao tại Hà Nội và Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét quyền lợi.
Theo đơn, các cổ đông cho rằng, tại phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm hồi tháng 9.2017, TAND TP.Hà Nội nhận định trong tổng số tiền hơn 1.576 tỉ đồng mà Hà Văn Thắm và các đồng phạm chi lãi ngoài, có khoản tiền hơn 246 tỉ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn không giao lại tiền này cho PVN, mà chiếm đoạt. Trong tổng số tiền hơn 246 tỉ đồng, theo tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu (PVN góp vốn tương ứng 20% vốn điều lệ của Oceanbank), có hơn 49 tỉ đồng là tiền của Nhà nước mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện để quản lý. Do đó, tòa yêu cầu bị cáo Nguyên Xuân Sơn phải bồi thường khoản tiền này cho PVN.
Từ đó, các cổ đông cho rằng, tòa sơ thẩm yêu cầu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bồi thường thiệt hại cho cổ đông nhà nước thì các cổ đông khác cũng phải được bồi thường tương ứng với tỷ lệ vốn góp.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ có trách nhiệm của TAND cấp cao tại Hà Nội, cho biết đã nắm được sự việc nêu trên. Tuy nhiên, trong khuôn khổ phiên xét xử phúc thẩm, chỉ xem xét các nội dung đã xem xét tại phiên sơ thẩm mà có kháng cáo của các bị cáo, hay các đơn vị, tổ chức liên quan. “Đối với những trường hợp gửi đơn này thì họ có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác”, vị này nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo TAND TP.Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, khi Oceabank đã được nhà nước mua giá 0 đồng, thì quyền lợi của các cổ đông đối với ngân hàng đã bị chấm dứt, nên đề nghị của các cổ đông nêu trên sẽ không được tòa chấp nhận.
Theo dự kiến của TAND cấp cao tại Hà Nội, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm sẽ diễn ra trong khoảng 12 ngày, bắt đầu từ ngày 18.4. Chủ tọa phiên tòa này là thẩm phán Ngô Hồng Phúc.
Theo TAND cấp cao, việc mở phiên xét xử do 31 bị cáo đã có đơn kháng cáo. Trong đó, bị cáo Hà Văn Thắm, có đơn kháng cáo đề nghị không kết án về tội tham ô tài sản theo điều 278 và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 280 bộ luật Hình sự, đối với bản thân. Đồng thời, cựu Chủ tịch OceanBank đề nghị được xem xét lại trách nhiệm dân sự đối với bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng gửi đơn kháng cáo kêu oan về tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác là Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn, đều là nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh bị quy kết và mong muốn nếu cơ quan tố tụng vẫn buộc tội thì xin giảm nhẹ hình phạt.
25 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ OceanBank cũng kháng cáo xin được xem xét lại tội danh theo điều 280; giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh quy định tại điều 165 của bộ luật Hình sự; xin được hưởng án treo và xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý, bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, kháng cáo xin xem xét lại toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đối với bị cáo.
Ngoài kháng cáo của 31/51 bị cáo trong vụ án này, 3 tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo về vấn đề bồi thường thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.