Đợt kiểm tra này được tiến hành theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, sau khi xảy ra vụ nhân viên Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ mô tô Thành Công đánh người tại quán cơm Minh Đức (trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1) vào tối 30.7.2010.
Theo thống kê, toàn TP hiện có 263 doanh nghiệp kinh doanh DVBV, với số lượng nhân viên bảo vệ lên tới 21.265 người. Có 26 doanh nghiệp đăng ký trang bị 824 công cụ hỗ trợ.
Báo cáo cho biết, qua 2 tháng triển khai, đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra được 84/263 lượt cơ sở doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh DVBV trên địa bàn TP.
Qua đó, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 20 trường hợp vi phạm quy định về điều kiện an ninh trật tự và những quy định khác có liên quan trong hoạt động kinh doanh DVBV; đồng thời lập hồ sơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 120 triệu đồng, tịch thu tang vật 18 công cụ hỗ trợ (gậy cao su) sử dụng trái phép.
Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; không có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh DVBV; tuyển dụng nhân viên không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho nhân viên bảo vệ theo quy định; sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép…
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đã yêu cầu Công an TP phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp trên toàn TP, đồng thời tái kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm.
Các quận, huyện tăng cường công tác hậu kiểm các doanh nghiệp kinh doanh DVBV trên địa bàn; yêu cầu việc tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ phải là một trong những tiêu chí hàng đầu, là điều kiện bắt buộc để cho phép doanh nghiệp hoạt động.
“Do đây là lĩnh vực đặc thù, kinh doanh có điều kiện, nên thành phố sẽ mạnh tay xử lý đối với những vi phạm của các doanh nghiệp, nhằm đưa hoạt động này thực hiện đúng quy định pháp luật”, ông Trí nhấn mạnh.
Minh Nam
Bình luận (0)