>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần bổ sung quyền mưu cầu hạnh phúc
>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Bàn việc sửa đổi Hiến pháp
>> Quốc hội nghe báo cáo sửa đổi Hiến pháp
>> Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong ba tháng
>> Kêu gọi nhân dân tích cực góp ý sửa đổi Hiến pháp
Góp ý về nội dung tên nước quy định tại Điều 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đại biểu (ĐB) Lưu Thị Huyền (tổ Ninh Bình) cho rằng tên nước CHXHCN Việt Nam đã được Quốc hội năm 1976 quyết định, thông qua và đã sử dụng ổn định cho đến nay, tên nước hiện tại phù hợp với nền chính trị cũng như mục tiêu định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Việc giữ nguyên tên nước tiếp tục khẳng định mục tiêu trước sau như một không thay đổi, giữ vững niềm tin của nhân dân với chế độ.
“Việc giữ nguyên tên nước sẽ tránh những xáo trộn cũng như tránh lãng phí lớn về quản lý hành chính, đổi tiền…”, bà Huyền nói.
Tán thành quan điểm của Ủy ban Dự thảo đề xuất giữ lại tên nước hiện hành trong Hiến pháp, ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) phân tích: Tên nước hiện nay thể hiện rõ định hướng của chúng ta là đi lên xã hội chủ nghĩa. Nếu như chúng ta quay trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì dễ khiến người ta hiểu lầm là không kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, chưa kể còn phải xử lý nhiều vấn đề liên quan khác như con dấu, quốc huy, đồng tiền, đặc biệt là đồng tiền, trong bối cảnh hiện nay mà thay đổi tên nước dẫn tới đổi tiền thì sẽ gây xáo trộn rất lớn.
|
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng bày tỏ: “Mặc dù có ý kiến người dân góp ý đổi tên nước nhưng cá nhân tôi và qua tổ chức góp ý cho người dân thành phố thấy đại đa số nhất trí với tên nước hiện nay và thấy như vậy là hợp lý. Cũng có người phân tích yếu tố xã hội chủ nghĩa hiện nay chưa có hoặc đang có nhưng chưa rõ nét nhưng rõ ràng đường lối này là nhất quán, chúng ta đang xây dựng đất nước theo định hướng này. Tên nước hiện nay hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng thực tế chúng ta đang xây dựng”.
Bên cạnh đó, cũng có một số ĐB đưa ra những quan điểm ngược lại. ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết qua tiếp xúc cử tri và thảo luận ở địa phương có nhiều ý kiến muốn lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nói không sửa tên nước để khỏi tốn kém là không thuyết phục vì nếu thấy cần thiết thì tốn kém cũng phải làm. Khi tiếp xúc cử tri, cử tri hỏi lại vấn đề này mà ĐB báo cáo là vẫn giữ nguyên tên nước như hiện tại thì phải có giải thích thỏa đáng, thuyết phục với dân”, ĐB này đề nghị.
Đồng tình với ý kiến này ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cũng nhấn mạnh cử tri rất quan tâm đến tên nước, vì vậy nên công khai vấn đề này để mọi người dân chia sẻ. “Ta không có quyền né tránh việc này trước Quốc hội. Mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm với tên nước, nên cân nhắc đề xuất về tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông Bảo đề nghị.
Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn - Thái Sơn
Bình luận (0)