Tránh phát sinh thủ tục, khó khăn, phiền phức cho người dân
Sáng 21.10, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Cư trú sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hôih và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7.2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị trong luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Theo ông Tùng, qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Ông Tùng giải thích, mặc dù chuyển sang phương thức mới, quản lý cư trú mới là hết sức cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành (1.7.2021), song trong giai đoạn đầu khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.
|
"Do đó, việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, có ý kiến vẫn còn lo ngại rằng thời điểm 31.12.2022 có thể vẫn chưa bảo đảm để hoàn tất việc kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội, nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này.
Ngược lại, vẫn theo ông Tùng, một số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo luật, là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ 1.7.2021 bởi cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ; quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ông Tùng cho biết, do vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến nêu trên để Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Thêm 2 năm nữa là không lâu
Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tới hết 31.21.2022 như phương án 1 Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng Bộ Công an thể hiện quyết tâm rất cao trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú thực hiện từ 1.7.2021 khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, đó chỉ mới là hoàn thiện giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, vẫn còn giai đoạn kết nối của các cơ quan, đơn vị để có thể khai thác cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc bỏ hộ khẩu.
Bà Dung dẫn chứng, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, sẽ có rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch như đăng ký nhập học cho học sinh phổ thông, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu của bảo hiểm y tế, đăng ký dịch vụ điện, nước, viễn thông... sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi việc đảm bảo kỹ thuật cho kết nối liên thông cho các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu do Bộ Công an xây dựng.
Bà Dung cũng dẫn các nghị quyết, quyết định của Chính phủ cho thấy, tới hết 2025, vẫn chưa hoàn thành việc kết nối chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu với tất cả các bộ, ngành, địa phương, chưa kể tới những địa phương khó khăn như vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất thiếu thốn.
|
Đại biểu tỉnh Điện Biên cũng băn khoăn, trong bối cảnh đang phải dành nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua bão lũ như hiện nay, việc dành nguồn lực để hoàn thiện nhanh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú đặc biệt là hạ tầng kết nối các cơ quan liên quan trên toàn quốc từ T.Ư tới cấp xã để đảm bảo việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 1.7.2021 là rất khó khăn và khó đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình với phương án 1 vì cho rằng, nếu không được sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp mà các cơ quan chức năng đòi giấy tờ xác nhận nơi cư trú để làm các thủ tục khác hay các giao dịch dân sự thì sẽ gây phiền hà cho người dân.
“Sổ hộ khẩu dùng mấy chục năm nay rồi, cho dù 2 năm nữa cũng không lâu, ngược lại rất thuận tiện và không gây phiền hà cho người dân. Tại sao không kéo dài tới đó để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân?”, đại biểu Hòa nêu.
Bình luận (0)