65 cựu học viên của chương trình thạc sĩ Bỉ - Việt vừa ký tên vào một thư ngỏ gửi đến tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mong muốn nhà trường rút lại đơn kiện đối với GS Nguyễn Đăng Hưng.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nơi xảy ra diễn biến vụ kiện giữa trường này và
GS Nguyễn Đăng Hưng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Thư ngỏ có đoạn: “Việc kéo dài vụ kiện sẽ làm tổn hại cho hình ảnh khoa học của đất nước với quốc tế, mà thiệt thòi lớn nhất có lẽ thuộc về các nhà khoa học và đặc biệt là thế hệ trẻ của VN.
Thư ngỏ này gửi đến ông để khẳng định việc tranh chấp không chỉ là việc giữa cá nhân ông và GS Nguyễn Đăng Hưng mà còn liên quan đến uy tín về nghiên cứu và công bố quốc tế, đến thể diện ngành giáo dục và khoa học VN trước các nhà khoa học và nhà xuất bản quốc tế, đến các chính sách mới của Chính phủ VN vừa ban hành nhằm khuyến khích các nhà khoa học Việt kiều hay nước ngoài tham gia phát triển giáo dục và khoa học VN”.
Đòi bồi thường thiệt hại và xin lỗi
Tháng 8.2014, TAND Q.9, TP.HCM đã gửi giấy triệu tập GS Nguyễn Đăng Hưng về việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiện đòi “bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và xin lỗi công khai”. Tuy nhiên do sai sót thủ tục, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tự nguyện rút đơn và đến tháng 12.2014 thì “tái” kiện lại.
Vụ kiện xoay quanh mối liên hệ giữa trường và GS Hưng; Quá trình xây dựng tạp chí khoa học Asia - Pacific Journal on Computational Engineering (APJCEN) và những vấn đề mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng GS Hưng “vi phạm hợp đồng”. Theo đó, “mấu chốt” vụ kiện là nội dung thứ 4 trong hợp đồng làm việc ký ngày 27.6.2012 giữa hai bên có nêu ông Hưng “lên kế hoạch với sự hỗ trợ nhân sự và tài chính của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xây dựng một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh với mục tiêu được cộng đồng quốc tế công nhận theo tiêu chuẩn ISI trong tương lai. Củng cố và đào tạo cho nhân lực có thể vận hành và đảm đương việc thẩm định bài vở cho tạp chí”.
Phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, trường đã cử ông Lê Văn Út làm trợ lý cho ông Hưng. Ông Út đã dự thảo và hoàn chỉnh đề án tạp chí; trao đổi với các NXB trên thế giới và thuyết phục Springer đồng ý xuất bản tạp chí… Và đề án thành lập gửi ngày 17.2.2012 nêu rõ Trường ĐH Tôn Đức Thắng là bên sáng lập, tổ chức của tạp chí APJCEN. Nhưng ông Hưng không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tạp chí và “có dấu hiệu gian dối” khi tự ý thỏa thuận với NXB Springer về việc NXB này và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tờ báo, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của trường.
Trong khi đó, GS Hưng cho rằng ông Lê Văn Út chỉ là người phác thảo đề cương đề án, ông mới là người hoàn chỉnh đề án và đưa danh sách các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới cộng tác cho tạp chí.
“Chờ tòa án giải quyết”
Trên thực tế, hợp đồng giữa NXB Springer và GS Hưng ký ngày 1.3.2013 ghi rõ NXB này là chủ sở hữu của tạp chí APJCEN. Ngày 14.8.2014, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đăng thông tin trong thư điện tử gửi cho báo này, ông Renate Bayaz, Giám đốc truyền thông của NXB Springer, cho biết chủ sở hữu của tạp chí APJCEN do GS Hưng làm tổng biên tập là NXB Springer. Như vậy, chuyện tranh chấp quyền sở hữu tạp chí APJCEN có lẽ không cần phải bàn thêm. Vấn đề chỉ là GS Hưng có thực hiện được những yêu cầu trong hợp đồng lao động giữa hai bên như đã thỏa thuận.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần tiếp xúc với tiến sĩ Lê Vinh Danh nhưng ông đều từ chối trả lời phỏng vấn và cho rằng trước khi tòa xử và có phán quyết, nhà trường không muốn có bất cứ bình luận gì về nội dung chi tiết của vụ kiện. Tuy nhiên, ông Danh đồng ý chuyển cho chúng tôi nội dung thư trả lời của ông đến đại diện các cựu học viên chương trình thạc sĩ Bỉ - Việt về thư ngỏ mà các học viên này gửi ông vào cuối tháng 2.2015.
Trong thư, ông Danh cho rằng việc giữa nhà trường với GS Hưng là vấn đề đúng sai, không phải là vấn đề chi phí mà gọi là tổn hại hay không tổn hại. Ông Danh viết: “Tôi không có phát biểu nào về việc này, vì nó không là việc của cá nhân tôi. Bây giờ nó là việc của tòa. Vì không ai nghe đủ cả hai chiều, cho nên chúng tôi mới cần tòa án. Vì nhiệm vụ của thẩm phán và bồi thẩm đoàn là sẽ phải nghe cả hai phía, xem bằng chứng của cả hai chiều để phán quyết”.
APJCEN là tạp chí chuyên ngành về cơ học tính toán, xuất bản online.
APJCEN theo mô hình truy cập mở (Open access), người viết và đăng bài phải trả tiền cho NXB. Hiện phí để đăng một bài trên APJCEN là 1.000 euro, không phân biệt dài ngắn. Thường số tiền này sẽ được các trường ĐH trả hay các trường sẽ có khế ước hằng năm với Springer về việc đăng bài. Đây là cách làm khá mới nhằm giúp các nước nghèo có điều kiện nghiên cứu khoa học khi đọc những bài nghiên cứu chuyên ngành mà không mất phí.
Hiện tại Ban biên tập APJCEN có 60 nhà khoa học, trong đó VN có 10 người gồm 4 nhà khoa học trong nước và 6 Việt kiều. Dự kiến mỗi năm APJCEN sẽ xuất bản 4 số online. Tổng biên tập và ban biên tập sẽ làm việc không lương. Mỗi năm Springer sẽ cung cấp 2.000 euro để ban biên tập quảng bá cho tạp chí.
Trung Hiếu
|
Bình luận (0)