Đó là ý kiến nổi bật được nêu ra tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (10.6).
Theo nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng, vùng đất Sài Gòn - Gia Định có lịch sử hơn 3.000 năm, nhiều di chỉ lịch sử của vùng đất này như văn hóa Óc Eo và gắn liền với đó là Vương quốc Phù Nam thể hiện qua các di tích như: chùa Phụng Sơn, gò Cây Mai... và cả các di tích ở vùng cửa biển Cần Giờ hay sau đó là di tích lò gốm Hưng Lợi (Q.8), giồng Cá Vồ, có niên đại 2.000 - 2.500 năm (cả hai di tích này được công nhận di tích cấp quốc gia). Các di tích này gần như chưa phát huy được giá trị đối với phát triển, gắn kết với du lịch và gắn kết phát triển đô thị.
tin liên quan
Bảo tồn di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại“Trong các di tích ở TP.HCM có mảng kiến trúc cổ. Tuy nhiên, một loạt di tích thì chỉ có vài di tích phát huy được giá trị gắn kết với các tour du lịch hoặc gắn kết với việc giáo dục văn hóa nghệ thuật tại địa phương. Đa phần các di tích di chỉ lịch sử ở trong tình trạng... phế tích, thậm chí xóa sổ”, nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM, cũng thừa nhận công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn. Các di sản văn hóa không được bảo tồn một cách hợp lý khiến không gian di sản đô thị bị phá vỡ. Tốc độ phát triển kinh tế đi kèm việc đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm như các quận 1, 3, 5... Trong khi đó, quy trình tu bổ di tích mất nhiều thời gian, thời gian thẩm định phê duyệt kéo dài.
Ngoài ra, các công trình do người dân sở hữu thì việc lập hồ sơ xếp hạng di tích cũng rất khó khăn vì họ e ngại việc đó sẽ làm giới hạn việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, phát triển cơ sở vật chất... Ví dụ khu phố cổ đường Hải Thượng Lãn Ông (P.10, Q.5) được xây dựng đầu thế kỷ 19 gắn liền với đời sống sinh hoạt thương mại của cộng đồng người Hoa chuyên về kinh doanh thuốc bắc. Hiện khu phố gồm dãy nhà từ số 43 - 65 và ngôi nhà số 102AB còn lưu giữ được nét kiến trúc xưa nên việc bảo tồn khu phố cổ này là cần thiết. Tuy nhiên, các ngôi nhà này thuộc sở hữu tư nhân nên vẫn chưa thực hiện được xếp hạng di tích…
|
Bình luận (0)