Công tác hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia của các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi cho đến thời điểm này tất cả đã sẵn sàng.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa (ảnh), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long - đơn vị 14 năm cùng Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên VN và Báo Thanh Niên tổ chức chương trình, đã trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên xung quanh những đổi mới cũng như việc chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ thí sinh (TS) và người nhà TS.
Theo ông, các thay đổi của kỳ thi tuyển sinh THPT quốc gia năm nay có ảnh hưởng nhiều đến công tác chuẩn bị chương trình?
Chắc chắn có ảnh hưởng nhiều vì những lý do: Số lượng tỉnh thành và cụm thi năm nay tăng nhiều hơn so với năm ngoái. Từ đó, việc chuẩn bị cũng phải nhiều hơn và sớm hơn, đặc biệt đối với các tỉnh thành đoàn mới tham gia tiếp sức lần đầu. Hơn nữa, kỳ thi năm nay khác hẳn với những năm trước về số ngày thi, thời điểm thi, cách thức tổ chức… đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng. Mặt khác, do số lượng lớn TS tập trung vào một lần thi cùng một thời điểm nhất định nên việc tổ chức một kỳ thi thành công quả thật không phải là chuyện dễ. Do đó, cách thức chuẩn bị chương trình năm nay phải thay đổi theo kỳ thi, nên chính bản thân những ai đã từng tham gia chương trình trong những năm trước cũng cần phải được tập huấn lại nhằm bảo đảm công tác tiếp sức được tổ chức tốt nhất.
Các tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ thí sinh tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Do nắm rõ số lượng 23 tỉnh thành đoàn sẽ tham gia chương trình nên chúng tôi đã chủ động ngay từ đầu tài lực, vật lực và nhân lực cần có để hỗ trợ. Khó để nói thế nào là đủ nhưng chúng tôi hy vọng ngoài nguồn lực của Tập đoàn Thiên Long sẽ còn có sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm khác… và nguồn lực tổng hợp này, trong chừng mực nào đó, sẽ đủ để giúp việc triển khai chương trình theo chiều sâu đạt hiệu quả cao nhất.
Một kỳ thi quan trọng với nhiều sự thay đổi thì chắc chắn không chỉ TS mà Ban tổ chức chương trình cũng có nhiều nỗi lo. Đối với các tỉnh thành đoàn lần đầu tham gia, họ sẽ chưa quen và phải học hỏi nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi tin rằng những lo lắng này sẽ không đáng kể vì các tình nguyện viên đã được tập huấn kỹ trước khi triển khai chương trình. Bên cạnh đó, chúng tôi bố trí những tình nguyện viên có kinh nghiệm từ các năm trước về lại địa phương hoạt động trong chương trình như một lực lượng nòng cốt. Ngoài ra, những tỉnh thành đoàn khác, vốn đã có nhiều kinh nghiệm trong những mùa tiếp sức trước đây, cùng với Thiên Long chúng tôi vẫn luôn bên cạnh các tỉnh thành đoàn mới tham gia lần đầu và hỗ trợ họ tối đa trong quá trình triển khai.
Ông đánh giá chất lượng và khả năng hỗ trợ của tình nguyện viên năm nay như thế nào? Ông có lời khuyên gì với họ?
|
Tôi luôn muốn nói với các tình nguyện viên những lời không mới với ý nghĩa chưa bao giờ cũ trong suốt 14 năm thực hiện chương trình. Đó là: Xin cảm ơn các bạn - những người đã mang lại sức sống cho chương trình trong nhiều năm qua. Nếu không có các bạn, chương trình mãi mãi là một ý tưởng vô hồn nằm trên bàn giấy. Chính các bạn là những người đã mang màu xanh tình nguyện, màu xanh của hy vọng đến với các TS trên khắp cả nước. Tình nguyện viên chính là những người đã tạo nên hình ảnh thật đẹp, thật sống động và vô cùng gần gũi của ý nghĩa tình nguyện trong xã hội bộn bề, hối hả hiện nay.
Chương trình năm nay có nhiều điểm mới như: tổ chức tập huấn tình nguyện viên; truyền hình trực tuyến để giải đáp thắc mắc về kỳ thi và công tác hỗ trợ TS; xây dựng phần mềm ứng dụng trên điện thoại giúp TS và phụ huynh dễ dàng cập nhật thông tin một cách nhanh nhất... Theo ông, như vậy đã được gọi là hỗ trợ toàn diện chưa?
Theo tôi, các điểm nêu trên đã tạo ra những nét mới của chương trình và chắc chắn sẽ giúp công tác hỗ trợ hiệu quả hơn, hay hơn những năm trước. Tuy nhiên, để tạo nên khái niệm “hỗ trợ toàn diện” từ những hoạt động này thì theo tôi là chưa đủ, bởi lẽ một số mục đích của chương trình vẫn chưa đạt được. Số lượng vật phẩm dành cho chương trình còn thiếu. Ngân sách để làm đầy đủ những việc mình mong muốn vẫn còn hạn chế. Những câu chuyện không vui về nơi ăn, chốn ở, chuyện đi lại… của TS bị “chặt chém” vẫn còn bị nhắc lại hằng năm khi mùa thi đang đến. Chỉ khi nào những mong muốn tôi vừa nêu trở thành hiện thực và chỉ khi nào các TS toàn tâm toàn ý cho bài thi mà không phải lo lắng một điều gì khác thì khi ấy mới có thể tạm gọi là “hỗ trợ toàn diện”.
Bình luận (0)