Thông tin này được chia sẻ trong tọa đàm về xu hướng giao thông thông minh – cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững do Trường ĐH Việt Đức tổ chức hôm nay (15.5).
Trong tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ nhu cầu tuyển dụng đội ngũ kỹ sư giao thông thông minh nhìn từ triển vọng phát triển giao thông thông minh ở Việt Nam trong xu hướng phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, chiến lược chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, cho rằng giao thông thông minh là một xu hướng lớn. "Theo cam kết của Chính phủ, Việt Nam trở thành nền kinh tế phát thải ròng CO2 zero vào 2050. Để thực hiện mục tiêu trên, mối quan tâm về hệ thống giao thông điện ngày càng lớn, dự báo sẽ có 15-20% lượng xe ô tô chạy điện vào năm 2030", PGS Tuấn thông tin.
Đáng lưu ý, PGS Tuấn cho biết: "Một số tập đoàn như Vingroup đang phát triển hệ sinh thái giao thông điện, theo kế hoạch sẽ tuyển dụng 100.000 kỹ sư công nghệ liên ngành về giao thông thông minh làm việc cho họ trong 10 năm tới".
Bên cạnh đó, cũng theo PGS Tuấn, chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, lấy chuyển đổi số làm trọng tâm đã tạo điều kiện phát triển các giải pháp công nghệ giao thông thông minh. Viettel, FPT, Vingroup và nhiều tập đoàn nước ngoài thành lập các công ty về công nghệ cao để nghiên cứu phát triển các giải pháp giao thông thông minh và lên kế hoạch tuyển dụng hàng ngàn kỹ sư công nghệ về giao thông thông minh.
"Đó là những người có hiểu biết về kỹ thuật giao thông vận tải, kỹ thuật phần mềm, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Từ đó đặt ra yêu cầu đội ngũ kỹ sư giao thông thông minh rất lớn trong khi thế hệ kỹ sư mới này hiện chưa được đào tạo ở Việt Nam", PGS Tuấn chia sẻ thêm.
Ông Võ Quang Huệ, nhà sáng lập và CEO Công ty tư vấn VOCIS-nguyên Phó tổng giám đốc Vingroup phụ trách đề án VinFast, nguyên CEO Công ty Bosch Việt Nam, cũng cho biết trong ngành ô tô thì VinFast là công ty sản xuất ô tô điện đầu tiên ở Việt Nam và hiện cũng có thêm một số công ty lắp ráp xe điện.
"Vì thế, nhu cầu về nhân lực kỹ thuật giao thông thông minh chắc chắn sẽ mạnh thời gian tới", ông Huệ nhận định.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), cũng cho rằng để xây dựng được một thành phố thông minh thì cần nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là con người.
Từ công việc thực tế của bản thân, ông Dũng cho biết những người quản lý ngành hiện chỉ là các kỹ sư chuyên ngành giao thông, gần như không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin. Do đó, về lâu dài thì việc đào tạo nhân lực giao thông thông minh là thực sự cần thiết.
"Chúng tôi cần những kỹ sư này để tiếp quản, vận hành các mô hình thông minh sau này", Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) nói thêm.
Bình luận (0)