Nhiều doanh nghiệp lớn tăng vay vốn nước ngoài

Mai Hà
Mai Hà
09/10/2023 14:59 GMT+7

Với nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay, tự trả, dù năm 2022 các doanh nghiệp ít vay mới, song năm 2023 các doanh nghiệp tiếp tục tăng vay để bổ sung nguồn vốn nhằm phục hồi sản xuất, triển khai các dự án lớn.

Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ công cho biết, nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 được kiểm soát dưới mức trần Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP); giảm nhẹ so với kế hoạch, đến cuối năm 2023 ước khoảng 37 - 38% GDP.

Nhiều doanh nghiệp lớn muốn tăng vay vốn - Ảnh 1.

Nợ quốc gia được kiểm soát dưới mức trần Quốc hội cho phép (không quá 50%)

T.N

Nguyên nhân chủ yếu do giảm nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả.

Giai đoạn 2021 - 2022, trong điều kiện thị trường tài chính toàn cầu thắt chặt, lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp ít vay mới, chủ yếu trả nợ. Quy mô nợ nước ngoài của khu vực công (nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh) tiếp tục giảm từ mức 14,7% GDP năm 2021 xuống dự kiến còn khoảng 10,8% GDP năm 2023.

Trong khi đó, nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng từ 23,4% GDP năm 2021 lên 26,2% GDP năm 2023.

Đáng chú ý, theo Chính phủ, dù doanh nghiệp ít vay mới năm 2022, nhưng năm 2023 các doanh nghiệp tiếp tục tăng vay để bổ sung nguồn vốn nhằm hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai nhiều dự án lớn.

Cụ thể, các khoản vay nước ngoài lớn của doanh nghiệp đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước như khoản vay của Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (500 triệu USD), Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (450 triệu USD), Công ty CP Tập đoàn Masan (308 triệu USD).

Hay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (300 triệu USD), Công ty TNHH The Serpa (292 triệu USD), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (200 triệu USD) và Công ty Hưng nghiệp Formosa Đồng Nai (200 triệu USD).

Xét về cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chiếm 61,4% vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 70,7% năm 2023. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đảm bảo dưới mức 25% được Quốc hội cho phép.

Nợ công trong ngưỡng an toàn

Theo Chính phủ, năm 2023, ước thu cân đối ngân sách đạt dự toán là hơn 1,62 triệu tỉ đồng; bội chi ở mức 4% GDP, thấp hơn dự toán Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm (4,42% GDP). Những khó khăn từ thị trường bất động sản, ngân hàng đã tác động không thuận lợi tới cân đối ngân sách nhà nước năm nay.

So với 2022, bội chi năm nay tăng thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm. Tính theo quy mô GDP 2022 (409 tỉ USD), mức bội chi 2023 gần 16,4 tỉ USD.

Về tình hình vay, trả nợ công 2023 - 2024, huy động vốn đảm bảo nhu cầu chi của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển và trả nợ gốc, công tác trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết của Chính phủ. Việc cho vay lại vốn vay nước ngoài và bảo lãnh của Chính phủ đảm bảo trong hạn mức được duyệt.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo trong mức trần, ngưỡng an toàn được Quốc hội quyết định.

Đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 39 - 40% GDP; nợ Chính phủ khoảng 36 - 37% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 37 - 38%…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.