Nhiều doanh nghiệp thay ‘tướng’ trước Tết

Mai Phương
Mai Phương
15/01/2020 14:12 GMT+7

Gần sát Tết 2020, một số doanh nghiệp bất ngờ công bố thay đổi người đứng đầu công ty.

Cụ thể như Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) công bố chấm dứt hợp đồng lao động với Tổng giám đốc Đỗ Anh Tú kể từ ngày 13.1 sau hơn 6 tháng ngồi vị trí này. Thay vào đó, Hưng Thịnh Incons bổ nhiệm ông Trần Tiến Thanh - hiện là Phó tổng giám đốc công ty - giữ chức vụ Tổng giám đốc thay thế cho ông Tú.
Tương tự, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VND) cũng công bố bổ nhiệm ông Đỗ Ngọc Quỳnh làm quyền Tổng giám đốc từ ngày 15.1.2020. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh sinh năm 1975, có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và là người gắn bó với thị trường trái phiếu tại Việt Nam từ những ngày đầu.
Đầu tuần này, Grab cũng bất ngờ thông báo thay đổi lãnh đạo tại Việt Nam. Sau 3 năm dẫn dắt Grab Việt Nam, ông Jerry Lim quay về Singapore nhận vị trí Giám đốc Vùng, quản lý bộ phận Trải nghiệm Khách hàng khu vực Đông Nam Á. Vị trí Giám đốc điều hành Grab Việt Nam được trao lại cho bà Nguyễn Thái Hải Vân kể từ ngày 1.2. Bà Hải Vân vừa gia nhập Grab Việt Nam hồi đầu tháng 11.2019 sau 17 năm làm việc tại Unilever Việt Nam với chức danh cao nhất là Phó chủ tịch Marketing Unilever Việt Nam.
Còn tại Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco - PAC), thông báo miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Trần Thanh Văn kể từ ngày 1.2 để nghỉ hưu. Song song đó, công ty Pinaco bổ nhiệm có thời hạn chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lê Văn Năm và là người đại diện theo pháp luật cho công ty kể từ 1.2 và thời hạn nắm giữ chức vụ là 3 năm.
Trong khi đó, việc bổ nhiệm Tổng giám đốc tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) lại khá lùm xùm. Trước đó,  ông Phan Phạm Hà là đại diện vốn nhà nước tại VEAM được giới thiệu để bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VEAM. Tuy nhiên đầu tháng 1.2020, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM dừng việc giới thiệu chức tổng giám đốc đối với ông Phan Phạm Hà. Lý do chính của yêu cầu khẩn này là “Bộ Công thương đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh nội dung tại văn bản số 81 mà Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM báo cáo lên Bộ ngày 31.12.2019”. Tại công văn 81 nêu trên, Bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại VEAM đã có những phân tích lo ngại về năng lực của ông Phan Phạm Hà. Trong đó, đáng chú ý là việc Công ty Cơ khí Hà Nội - nơi ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc từ tháng 6.2016 đến nay - bị lỗ liên tục trong các năm 2017 đến năm 2019...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.