“Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, đương kim vô địch V-League 2016 Hà Nội T&T đã chính thức đổi tên thành CLB Hà Nội. Khi được hỏi tâm trạng có bị hụt hẫng ít nhiều và liệu Tập đoàn T&T sẽ bị thiệt thòi bởi không còn đứng sau tên đội bóng nữa, ông bầu Đỗ Quang Hiển cười lớn: “Sao lại hụt hẫng và thiệt thòi kia chứ. Chúng tôi chỉ thôi gắn thương hiệu cùng đội bóng nhưng vẫn cam kết luôn đồng hành với CLB, hỗ trợ cao cả về tinh thần lẫn vật chất để giúp đội bóng vươn đến tầm vóc mới, không chỉ gói gọn trong giới hạn bóng đá VN mà còn vươn tầm quốc tế”.
Còn Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội khẳng định: “Đây là chiến lược phát triển đúng đắn của đội vì với tên gọi mới, CLB sẽ càng có ý thức hơn trong việc tiếp nối truyền thống lịch sử, văn hóa, con người trên mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Đội bóng đổi tên là để tiếp cận một cách gần gũi nhất với CĐV bóng đá thủ đô và mở rộng vòng tay để đón nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay đồng hành, xây dựng đội bóng trở thành niềm tự hào của bóng đá Hà Nội”.
Tương tự như đội bóng thủ đô, CLB Quảng Nam sẽ không còn đính kèm tên nhà tài trợ QNK. Ông Nguyễn Húp, Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam, cho biết: “QNK tiếp tục là mạnh thường quân, nuôi đội bóng nhưng họ không muốn gắn tên để tạo cơ hội cho Quảng Nam là đứa con tinh thần của cả tỉnh. Nhờ vậy chúng tôi vẫn có thể kêu gọi thêm 3, 4 nhà tài trợ khác giúp nguồn tài chính thêm dồi dào. Năm nay chúng tôi sẽ phải có ít nhất 70 tỉ đồng cho V-League và các tuyến trẻ”. Hiện tại chỉ còn Đà Nẵng gắn tên SHB, Bình Dương gắn Becamex, Cần Thơ gắn XSKT... vì lãnh đạo địa phương muốn như vậy.
Ban tổ chức V-League cũng hưởng lợi
Bóng đá VN đã từng xảy ra nhiều sự cố về chuyện doanh nghiệp gắn tên với đội bóng rồi khi không cáng đáng nổi đã bỏ đội bóng mà đi, khiến VFF và Ban tổ chức V-League lao đao. Câu chuyện liên quan đến các đội bóng bị giải thể do đứt gánh giữa đường với nhà tài trợ (Navibank Sài Gòn, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, The Vissai Ninh Bình…) vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Chính vì thế, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) chính là đơn vị hoan hỉ nhất khi đón nhận thông tin các đội bóng “cắt” tên nhà tài trợ. Bởi suy cho cùng, nếu được nuôi bằng nhiều “nguồn sữa” khác nhau, các CLB sẽ tạo được nền tảng tài chính vững chắc và khó bị giải tán vì thiếu tiền.
Ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc VPF, nói: “Năm 2016, Đồng Tâm Long An cũng đã đổi tên thành Long An. Trước đó Hải Phòng cũng không còn Xi Măng như mấy mùa trước. Năm nay ngoài Hà Nội, Quảng Nam còn có CLB TP.HCM cũng không gắn tên nhà tài trợ, đưa tổng số đội chỉ có tên địa phương lên đến con số 7. Đây là xu hướng khá đúng đắn, học tập các nền bóng đá chuyên nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cách đây 20 năm, các CLB Nhật cũng thường gắn tên nhưng sau đó cũng đã bỏ tên nhà tài trợ, bởi họ muốn đội bóng đó thực sự trở thành niềm tự hào của địa phương chứ không của riêng bất kỳ một doanh nghiệp nào. Các CLB VN không đứng tên cùng nhà tài trợ, sau này muốn phát hành cổ phiếu cho khán giả cũng dễ dàng hơn”.
V-League không có trận play-off
Nét mới của mùa giải V-League 2017 sắp khởi tranh cuối tuần này là chỉ có 1 đội xuống hạng và thay bằng 1 đội vô địch hạng nhất lên hạng, không có trận play-off như năm rồi. Bên cạnh đó, VFF và VPF sẽ gia tăng án phạt kỷ luật với mức treo giò và chế tài rất nặng với các hành vi đá thô bạo, thiếu văn hóa trên sân. Xu hướng sử dụng HLV nội ngày càng nhiều khi có đến 12/14 nhà cầm quân là thầy nội, chỉ có 2 thầy ngoại là Alain Fiard (TP.HCM) và Liupko Petrovic (Thanh Hóa, từng dẫn dắt Sao đỏ Belgrade vô địch Cúp C1 châu Âu mùa bóng 1990 - 1991). (T.K)
|
Bình luận (0)